Liệu chính sách thuế quan của Mỹ có châm ngòi cho làn sóng tái cấu trúc nền kinh tế toàn cầu?

Trà Giang
Junior Editor
Trong bối cảnh thị trường tài chính toàn cầu trải qua những cơn biến động dữ dội chưa từng thấy, điều đang âm thầm diễn ra lại là sự rạn nứt trong chính câu chuyện kinh tế chủ đạo mà giới đầu tư và hoạch định chính sách toàn cầu đã dựa vào suốt nhiều năm qua.

Nếu thị trường tài chính là bề mặt của dòng chảy kinh tế, thì tâm lý kinh tế toàn cầu – hay “narrative” như cách gọi trong giới học thuật – chính là tầng ngầm đang bắt đầu dịch chuyển, và có thể làm thay đổi toàn bộ cục diện.
Niềm tin mạnh mẽ vào “chủ nghĩa ngoại lệ kinh tế Mỹ” từng đạt đỉnh tại Diễn đàn Kinh tế Thế giới ở Davos hồi tháng 1. Khi ấy, Mỹ được nhìn nhận như cỗ máy tăng trưởng bền vững giữa một thế giới đầy bất ổn. Tuy nhiên, chỉ vài tuần sau, sự lạc quan ấy bất ngờ đảo chiều. Những dự báo lạc quan bị thay thế bởi lo ngại về suy thoái, thậm chí là kịch bản đình lạm – sự kết hợp tai hại giữa tăng trưởng trì trệ và lạm phát kéo dài. Và hiện tại, tâm lý thị trường rơi vào trạng thái “trôi nổi” – không đủ dữ kiện để lạc quan, nhưng cũng chưa thể gọi tên một cuộc khủng hoảng rõ ràng.
Biến động của thị trường tài chính đã phản ánh rõ nét sự bất ổn đó. Trong vòng ba tháng, chỉ số S&P 500 đã giảm gần 20% so với đỉnh tháng Hai, rồi bật tăng gần 14% chỉ trong bốn tuần gần đây. Chỉ số VIX – thước đo tâm lý lo sợ của nhà đầu tư – biến động dữ dội, còn lợi suất trái phiếu Chính phủ Mỹ kỳ hạn 10 năm – vốn được coi là chuẩn tham chiếu toàn cầu – dao động trong biên độ 0.80 điểm phần trăm, mức biến động hiếm thấy trong thời gian ngắn như vậy. Điều đáng chú ý là trong cùng giai đoạn, nhiều mối tương quan kinh điển như USD mạnh lên – lợi suất trái phiếu giảm mỗi khi thị trường rơi vào trạng thái "risk-off" cũng có lúc bị đảo ngược. Đỉnh điểm là tuần thứ hai của tháng Tư, khi thanh khoản trên một số phân khúc của thị trường trái phiếu Chính phủ Mỹ – vốn được xem là “tài sản an toàn bậc nhất” – bất ngờ sụt giảm đến mức đáng lo ngại, làm dấy lên câu hỏi: liệu thị trường còn vận hành ổn định?
Một phần nguyên nhân của tình trạng hỗn loạn này được cho là đến từ sự bất định trong chính sách thương mại của Mỹ. Việc chính quyền liên tục thay đổi trong thực thi thuế quan – áp rồi tạm hoãn, dọa rồi lại đàm phán – khiến thị trường không thể xác định được đâu là mục tiêu thực sự: tăng thu ngân sách và đưa chuỗi cung ứng quay lại nội địa, hay là sử dụng thuế như công cụ mặc cả để đạt được hệ thống thương mại công bằng hơn. Nếu là mục tiêu đầu tiên, mức thuế cao sẽ là “trạng thái bình thường mới”. Còn nếu là mục tiêu thứ hai, có thể đây chỉ là chiến lược “leo thang để xuống thang”.
Sự thay đổi liên tục về định hướng chính sách như vậy đã làm xói mòn niềm tin vào những luận điểm kinh tế từng được xem là nền tảng. Từ vai trò “đầu tàu” dẫn dắt tăng trưởng toàn cầu, Mỹ bị ví như “toa xe chốt đoàn” – bị kéo theo hơn là chủ động dẫn dắt. Toàn cầu hóa, vốn từng được kỳ vọng sẽ tiếp tục diễn ra dưới dạng điều tiết có kiểm soát, giờ lại bị đe dọa bởi nguy cơ phân mảnh địa chính trị. Thậm chí, đồng USD – biểu tượng của niềm tin toàn cầu – và thị trường tài chính Mỹ – nơi tiếp nhận và phân phối tiết kiệm của cả thế giới – cũng không còn được coi là pháo đài bất khả xâm phạm.
Nhưng nếu chỉ xem chính sách thuế quan là nguyên nhân chính, có thể sẽ bỏ lỡ bức tranh lớn hơn. Trên thực tế, các yếu tố cơ cấu – từ sự lệ thuộc vào chuỗi cung ứng toàn cầu tối ưu hóa quá mức, cho tới các chính sách tài khóa thiếu kỷ luật và sự can thiệp quá sâu của ngân hàng trung ương – đã âm thầm tích tụ từ lâu. Những gì đang diễn ra chỉ là sự bùng phát của một chuỗi hệ quả đã được “ngầm lập trình”. Việc các quốc gia thất bại trong việc duy trì tăng trưởng ổn định, bao trùm và bền vững đang làm lung lay hiệu lực của các công cụ quản lý truyền thống. Đồng thời, khi chính trị ngày càng lấn át kinh tế trong quá trình hoạch định chính sách, sự ổn định về cấu trúc của hệ thống toàn cầu ngày càng bị đặt vào tình trạng báo động.
Thị trường trái phiếu cũng đang phát đi tín hiệu rõ ràng. Sau nhiều năm bị “ru ngủ” bởi chính sách tiền tệ siêu nới lỏng, các “vigilantes” – những nhà đầu tư sẵn sàng trừng phạt chính phủ vì thâm hụt tài khóa – đã thức giấc. Những biến động trên thị trường gần đây là hồi chuông cảnh tỉnh rằng: các lực cản mang tính cơ cấu không còn có thể bị lấp liếm bằng các biện pháp tình thế, dù có mang màu sắc đổi mới công nghệ đến đâu.
Thay vì chờ đợi trạng thái “bình thường mới” trở lại, chính phủ, doanh nghiệp, hộ gia đình và nhà đầu tư cần đối diện với một thực tế rằng thế giới đang bước vào một giai đoạn hoàn toàn khác – ít dễ đoán hơn, ít ổn định hơn, và đòi hỏi những hành động chủ động hơn. Đây là lúc cần thực hiện các điều chỉnh thực chất ở từng quốc gia, đồng thời xây dựng một cơ chế hợp tác toàn cầu mới, đủ mạnh mẽ để đối mặt với những thách thức xuyên biên giới. Bởi nếu không, thế giới có thể sẽ trượt dài vào một kỷ nguyên bất định mà không ai có thể kiểm soát.
Financial Times