Westpac Banking - Bình luận về RBA, Fed và thương mại quốc tế: Đã đến lúc đánh giá lại tình hình

Westpac Banking - Bình luận về RBA, Fed và thương mại quốc tế: Đã đến lúc đánh giá lại tình hình

Diệu Linh

Diệu Linh

Junior Editor

10:41 11/07/2025

Quan điểm từ bộ phận phân tích của Westpac Banking.

Những điểm nổi bật trong tuần qua

Tại Australia, quyết định giữ nguyên lãi suất cơ bản ở mức 3.85% của Ngân hàng Dự trữ Australia (RBA) đã gây bất ngờ với phần lớn nhà đầu tư và các chuyên gia kinh tế, vốn kỳ vọng mức giảm 25 bps. Đáng chú ý, lần đầu tiên RBA công bố kết quả bỏ phiếu không nêu tên từng thành viên, cho thấy quyết định này là sự chia rẽ khi có 6 thành viên ủng hộ giữ nguyên và 3 thành viên phản đối. Mặc dù Ban lãnh đạo nhận định lạm phát đã có tiến triển rõ rệt, hiện trong phạm vi mục tiêu và gần mức giữa của vùng mục tiêu trên các số liệu cập nhật hơn, phần lý do trì hoãn hạ lãi suất là do các số liệu tháng gần đây “chỉ nhỉnh hơn dự kiến một chút, không đủ để đưa ra quyết định”. Bên cạnh đó, Ban lãnh đạo cũng nhấn mạnh sự bất ổn trên nhiều phương diện, bao gồm: tác động của thuế quan Mỹ lên thương mại và tăng trưởng toàn cầu; tốc độ phục hồi của nhu cầu trong nước Australia; và tình trạng thắt chặt trên thị trường lao động. Tất cả những yếu tố này đều có thể ảnh hưởng đáng kể đến lạm phát tại Australia trong thời gian tới.

Như Tổng kinh tế trưởng Luci Ellis đã tóm tắt trong một video cập nhật giữa tuần, việc RBA trì hoãn hạ lãi suất nhằm mục đích xác nhận lạm phát tiếp tục hướng về mức giữa vùng mục tiêu thông qua dữ liệu lạm phát quý chi tiết dự kiến công bố ngày 30/7. Chúng tôi dự báo điều kiện này sẽ được đáp ứng và RBA sẽ giảm lãi suất 25 bps trong cuộc họp tháng 8, tiếp theo là ba đợt giảm lãi suất 25 bps nữa theo chu kỳ quý, đưa lãi suất về mức trung tính khoảng 2.85% vào giữa năm 2026.

Trước khi chuyển sang diễn biến quốc tế, cần lưu ý nhanh rằng khảo sát doanh nghiệp mới nhất của Ngân hàng Quốc gia Australia (NAB) cho thấy chỉ số điều kiện kinh doanh và niềm tin doanh nghiệp tuần này đã cải thiện lần lượt 8 điểm và 3 điểm. Tuy nhiên, các con số này chỉ là sự phục hồi nhẹ sau chuỗi thời gian dài suy yếu. Cho đến khi nhu cầu tiêu dùng hồi phục mạnh mẽ hơn, điều kiện kinh doanh được dự báo vẫn còn yếu và dễ tổn thương.

Diễn biến quốc tế: Tâm điểm hướng về thời điểm và quy mô thuế quan Mỹ sau vòng đàm phán 90 ngày

Trong tuần qua, Tổng thống Mỹ Donald Trump cùng Nhà Trắng bắt đầu công bố mức thuế quan sẽ áp dụng lên hàng nhập khẩu từ từng quốc gia, có hiệu lực từ ngày 1/8. Các mức thuế đề xuất về cơ bản tương đồng với các mức “đối ứng” được công bố vào ngày Giải phóng (Liberation Day), mặc dù có một số ngoại lệ. Brazil là ví dụ điển hình; hàng xuất khẩu của Brazil vào Mỹ sẽ chịu mức thuế 50% từ 1/8, so với mức 10% được đề xuất hồi đầu tháng 4, và Tổng thống Trump đã viện dẫn lý do thương mại cũng như chính trị để biện minh cho quyết định này. Ngoài ra, Tổng thống Trump còn đe dọa áp thuế bổ sung 10% lên các nước “đồng minh” với nhóm BRICs (hiện đã mở rộng thành nhóm 11 nước, dẫn đầu bởi Brazil, Nga, Ấn Độ và Trung Quốc), với lý do cho rằng một số chính sách của họ có tư tưởng “chống Mỹ”. Tuần này cũng ghi nhận thuế 50% áp lên nhập khẩu đồng vào Mỹ, được cộng thêm trên các mức thuế riêng theo từng quốc gia từ ngày 1/8. Hơn nữa, ông Trump cũng xác nhận kế hoạch áp thuế 200% đối với thuốc nhập khẩu vào Mỹ trong tương lai.

Theo các công bố hiện có, các đồng minh của Mỹ ở châu Á như Nhật Bản và Hàn Quốc sẽ không được ưu đãi đặc biệt. Mức thuế 25% áp lên hàng nhập khẩu từ Nhật Bản và Hàn Quốc chỉ thấp hơn chút ít so với mức 30% áp với Trung Quốc và cao hơn mức 20% áp cho hàng sản xuất trong nước của Việt Nam. Khi bản tin này được hoàn thiện, Tổng thống Trump cũng vừa công bố mức thuế 35% cho Canada và đang xem xét mức thuế 15-20% cho phần lớn các quốc gia còn lại.

Đối với khu vực châu Á, cần lưu ý rằng các mức thuế và miễn trừ hiện hành khiến thuế hiệu dụng đối với Nhật Bản và Hàn Quốc gần tương đương mức 20% của Việt Nam, trong khi mức thuế đối với Trung Quốc vào khoảng 40%. Mức thuế này vẫn nằm trong khả năng kiểm soát của Trung Quốc, đồng thời các thỏa thuận mà Mỹ đạt được với các nước châu Á khác như Việt Nam cũng không ngăn cản Trung Quốc tiếp tục đa dạng hóa cơ sở sản xuất và mở rộng quan hệ chính trị trong khu vực. Trái với mục tiêu của Mỹ, hậu quả có thể xảy ra từ việc Mỹ áp dụng chính sách cứng rắn với BRICs là sự gia tăng liên kết kinh tế và tài chính giữa Trung Quốc và các thành viên còn lại trong nhóm, mở ra nhiều cơ hội mới về nguồn cung nguyên liệu và tăng trưởng xuất khẩu.

Trở lại Washington: Biên bản họp FOMC tháng 6 và quan điểm chính sách tiền tệ

Biên bản cuộc họp tháng 6 của Ủy ban Thị trường Mở Liên bang (FOMC) cho thấy các thành viên lạc quan về triển vọng kinh tế vào thời điểm đó, tin rằng “rủi ro về lạm phát cao hơn và thị trường lao động yếu hơn đã giảm bớt… dựa trên kỳ vọng thuế quan sẽ thấp hơn”. Tuy nhiên, rủi ro vẫn “ở mức cao” và qua các cuộc thảo luận, Ủy ban có vẻ nhận định những thách thức này sẽ còn tồn tại trong thời gian dài. Nhiều thành viên hiện cho rằng rủi ro với lạm phát đáng lo ngại hơn so với rủi ro trên thị trường lao động. Mặc dù quan điểm chung vẫn là tác động của thuế quan lên lạm phát có thể chỉ mang tính tạm thời, nhưng dữ liệu rõ ràng có thể mất vài tháng để thể hiện. Ngoài ra, vẫn tồn tại rủi ro lạm phát vượt mục tiêu trở nên dai dẳng.

Về chính sách tiền tệ trước mắt, chỉ “một vài” thành viên sẵn sàng cân nhắc việc cắt giảm lãi suất “sớm nhất tại cuộc họp tiếp theo”. “Một số khác” cho rằng con đường chính sách phù hợp nhất năm nay là không hạ mục tiêu lãi suất quỹ liên bang. Phần lớn Ủy ban đồng thuận giữ nguyên lãi suất trong bối cảnh các rủi ro hiện hữu còn nhiều và sau đó sẽ tiến hành nới lỏng rất thận trọng khi đánh giá kỹ lưỡng hơn.

Westpac Banking

Broker listing

Thư mục bài viết

Cùng chuyên mục

Forex Forecast - Diễn đàn dự báo tiền tệ