Swissquote Bank: Thuế quan gia tăng, lo ngại về nợ công lắng dịu,chứng khoán tiếp tục đi lên

Diệu Linh
Junior Editor
Quan điểm từ bộ phận phân tích của Swissquote Bank.

Tâm lý thị trường Mỹ trong tuần qua tích cực đến bất ngờ, bất chấp hàng loạt mức thuế quan cao vừa được công bố, ví dụ như thuế 50% đối với hàng hóa từ Brazil và đồng, hay từ 25% đến 40% với nhiều quốc gia châu Á, thậm chí có khả năng áp mức 35% đối với hàng nhập khẩu từ Canada.
Tuy nhiên, giới đầu tư dường như không mấy lo lắng. Mặc dù những mức thuế này từng được cho là có thể khiến lạm phát tăng vọt, làm gián đoạn chuỗi cung ứng và đẩy nền kinh tế vào tình trạng suy giảm, tức một kịch bản lạm phát kèm suy thoái có thể khiến Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) rơi vào thế bị động, nhưng các rủi ro đó chưa phản ánh lên thị trường. Ngược lại, chỉ số S&P 500 tiếp tục xác lập đỉnh lịch sử lần thứ hai trong tuần, nhờ sự bứt phá của nhóm cổ phiếu công nghệ, đặc biệt là Nvidia. Bên cạnh đó, báo cáo kết quả kinh doanh khả quan và triển vọng tích cực từ Delta Airlines đã thúc đẩy nhóm cổ phiếu hàng không tăng vọt: Delta tăng tới 12%, United Airlines tăng 14%, còn American và Southwest lần lượt tăng gần 13% và 8%.
Sự hồi phục mạnh mẽ của nhu cầu du lịch phản ánh tâm lý tiêu dùng vẫn vững vàng, điều từng bị lo ngại sẽ chịu ảnh hưởng tiêu cực từ thuế quan, và góp phần củng cố kỳ vọng rằng chi tiêu tiêu dùng của Mỹ sẽ không chững lại. Chúng tôi kỳ vọng điều này sẽ tiếp tục được duy trì.
Trên thị trường trái phiếu, đà bán trái phiếu chính phủ Mỹ diễn ra mạnh mẽ, cho thấy nhà đầu tư toàn cầu vẫn sẵn sàng tiếp tục mua vào nợ công của Mỹ, bất chấp quy mô thâm hụt ngân sách ngày càng lớn cùng với các chính sách thuế ngày càng tốn kém của chính quyền Trump.
Tại châu Âu, việc thiếu tiến triển trong các cuộc đàm phán thương mại giữa Mỹ và EU khiến nhà đầu tư tiếp tục chờ đợi, nhưng tâm lý kỳ vọng vẫn được duy trì, giúp chỉ số Stoxx 600 chạm đỉnh một tháng.
Ở Nhật Bản, phiên đấu giá trái phiếu chính phủ kỳ hạn 20 năm diễn ra tương đối suôn sẻ. Dù nhu cầu thấp hơn mức trung bình dài hạn, nhưng vẫn là mức cao nhất kể từ tháng 3. Điều này giúp lợi suất trái phiếu chính phủ dài hạn giảm nhẹ: lợi suất kỳ hạn 20 năm hiện ở mức 2.50%, trong khi lợi suất trái phiếu chính phủ kỳ hạn 30 năm đang tiếp cận ngưỡng 3% theo chiều giảm.
Nói cách khác, thị trường hiện vẫn đang bỏ qua các yếu tố rủi ro: chỉ tập trung vào thông tin tích cực và lờ đi những mối lo tiềm tàng. Không cần đến chỉ số Sợ hãi và Tham lam của CNN, cũng có thể thấy sự "tham lam cực độ" đang chiếm ưu thế, góp phần đẩy giá Bitcoin lập đỉnh mới, với mục tiêu tiếp theo được nhắm tới là 120,000 USD mỗi đồng.
Trong bối cảnh lạc quan nhưng mong manh này, mùa báo cáo lợi nhuận quý sắp khởi động vào tuần tới, với kỳ vọng tăng trưởng lợi nhuận đã bị điều chỉnh giảm từ gần 10% xuống còn khoảng 5–7%, trong khi cổ phiếu thuộc S&P 500 vẫn đang trên hành trình chinh phục các đỉnh cao lịch sử.
Dẫu kỳ vọng thấp hơn giúp doanh nghiệp dễ đạt kết quả vượt dự báo, và đồng USD yếu đi có thể hỗ trợ doanh thu từ thị trường nước ngoài, nhưng ảnh hưởng từ bất ổn thương mại vẫn còn là dấu hỏi lớn.
Dù vậy, giới phân tích tại các ngân hàng lớn vẫn đang nâng dự báo cuối năm cho S&P 500 và Nasdaq 100. Thậm chí, những nhà phân tích có quan điểm bi quan như Marko Kolanovic (JP Morgan) đã bắt đầu bị gạt khỏi vị trí. Điều đó khiến việc kêu gọi một đợt điều chỉnh thị trường trở nên khó khăn hơn. Thị trường tiếp tục đi lên – với hy vọng rằng các biện pháp thuế quan sẽ không gây thiệt hại quá lớn.
Trên thị trường ngoại hối, đồng USD đang được hỗ trợ trở lại khi lo ngại về thuế quan và nợ công dịu bớt, bất chấp thực tế chưa thay đổi. EUR/USD hiện đi ngang dưới mốc 1.17; GBP/USD đang kiểm định hỗ trợ quanh vùng 1.35, tương ứng với đường trung bình động 50 ngày (50-DMA), trong khi USD/JPY tiếp tục được mua mạnh, dao động gần mức 147.
Với vị thế bán đồng USD đang khá lớn, khả năng phục hồi của đồng bạc xanh có thể tăng tốc trong vài tuần tới, kéo giảm các đồng tiền chủ chốt khác. Tuy nhiên, EUR/USD nhiều khả năng vẫn sẽ giữ vững vùng tích lũy tăng giá kể từ đầu năm trên mốc 1.12 – vùng thoái lui Fibonacci 38.2% từ đợt tăng giá gần nhất. GBP/USD cũng nên giữ triển vọng tích cực miễn là duy trì trên mốc 1.3140, trong khi USD/JPY đang nằm trong biên độ tích lũy quanh mức 147.50.
Tại Nhật Bản, các cuộc bầu cử Thượng viện sắp tới và lo ngại về khả năng duy trì đa số của đảng cầm quyền LDP đang gây sức ép lên tâm lý đầu tư – ảnh hưởng tới cả đồng Yên và thị trường chứng khoán. Căng thẳng thương mại với Mỹ càng khiến tình hình thêm phần phức tạp. Vì vậy, dù JGBs giảm nhẹ và đồng Yên yếu đi, chỉ số Nikkei vẫn chịu áp lực. Trong vài tuần tới, yếu tố chính trị có thể là nhân tố dẫn dắt thị trường tại Nhật.
Ở thị trường hàng hóa, giá dầu thô Mỹ giảm hơn 2% sau khi không thể vượt qua đường trung bình động 200 ngày (200-DMA) trong phiên hôm qua – bất chấp thông tin rằng OPEC sẽ không tiếp tục bổ sung nguồn cung vào thị trường sau khi kết thúc chương trình cắt giảm sản lượng 2.2 triệu thùng/ngày từ tháng 9 tới. Động thái này xuất phát từ lo ngại rằng nguồn cung dư thừa có thể đẩy giá dầu giảm xuống dưới ngưỡng mong muốn.
Cùng lúc, có tin đồn về các biện pháp trừng phạt nghiêm khắc hơn nhắm vào Nga. Liên minh châu Âu được cho là đang xem xét giảm trần giá dầu Nga từ 60 USD xuống còn 45 USD/thùng. Trong khi đó, một dự luật lưỡng đảng tại Mỹ đề xuất áp thuế lên tới 500% đối với hàng hóa nhập khẩu từ các nước mua dầu Nga, trong đó có Trung Quốc và Ấn Độ, hiện là hai khách hàng lớn nhất của Moscow. Tùy vào phản ứng của hai nền kinh tế mới nổi này, nhu cầu đối với dầu thô Mỹ và Brent có thể tăng vọt, kéo giá lên cao. Tuy nhiên, vào sáng nay, phe đầu cơ giá lên dường như vẫn đứng ngoài cuộc. Ngay cả thông tin về căng thẳng trở lại ở Biển Đỏ cũng chưa đủ để thúc đẩy giá.
Hiện, ngưỡng hỗ trợ quan trọng đối với dầu WTI là 65 USD/thùng, còn với Brent là 67 USD. Nếu các mức này bị phá vỡ, xu hướng giảm giá từng chi phối thị trường trong nửa đầu năm có thể sẽ quay trở lại.
Swissquote Bank SA