Westpac Banking: Hiệu ứng tâm lý trong quyết định của RBA và đàm phán thương mại với Mỹ

Diệu Linh
Junior Editor
Quan điểm từ bộ phận phân tích của Westpac Banking.

Quyết định của RBA
Quyết định của Ngân hàng Dự trữ Úc (RBA) tuần trước và diễn biến leo thang thuế quan mới đây từ phía ông Trump đều cho thấy tầm quan trọng của việc thấu hiểu động lực tổ chức và tâm lý con người trong phân tích kinh tế.
- Dù không có lợi ích kinh tế rõ rệt nào trong việc RBA trì hoãn cắt giảm lãi suất, đồng thời chi phí chính sách phát sinh cũng không đáng kể, nhưng các yếu tố tâm lý và tổ chức dường như đã đóng vai trò then chốt, khi RBA tranh thủ cơ hội này để thể hiện phần nào sự độc lập của mình.
- Việc không đánh giá đúng các yếu tố tâm lý này là một thiếu sót, đồng thời cũng là một dịp để học hỏi.
- Những yếu tố tương tự cũng đang tác động mạnh mẽ đến các cuộc đàm phán thuế quan quốc tế. Khi người khác nghĩ rằng bạn sẽ nhượng bộ, phản ứng tâm lý tự nhiên là muốn chứng minh điều ngược lại. Tâm lý khẳng định vị thế cũng đang hiện diện rõ nét trên vũ đài quốc tế. Dù điều này làm phức tạp thêm quá trình phân tích và dự báo, các yếu tố kinh tế cốt lõi vẫn đóng vai trò nền tảng.
Không ngừng phân tích, ngay cả khi đã sai
Kể từ sau cuộc họp bất ngờ của RBA vào tuần trước, hàng loạt phân tích đã được đưa ra nhằm lý giải quyết định của ngân hàng trung ương này. Trên thực tế, không có lý do kinh tế vững chắc nào để trì hoãn thêm năm tuần nữa. Ngay cả dữ liệu thị trường lao động được công bố trong tuần này cũng sẽ không làm thay đổi quyết định cắt giảm lãi suất vào tháng 8, ngay cả khi tình hình việc làm không suy giảm hoặc tỷ lệ thất nghiệp không gia tăng.
Tương tự, dữ liệu CPI tháng ba cũng sẽ không cung cấp thêm nhiều thông tin mới đủ sức thuyết phục để duy trì lãi suất ở mức hiện tại. Cần nhớ rằng, với dữ liệu CPI hàng tháng, khi có số liệu của tháng thứ hai trong quý, bạn đã nắm trong tay hai phần ba kết quả của cả quý, bất kể mức độ bao phủ của chỉ số hàng tháng ra sao. Nghĩa là, về cơ bản, bức tranh lạm phát quý hiện tại đã khá rõ ràng. (Đây cũng là lý do tại sao phát biểu của Thống đốc rằng CPI hàng tháng “biến động quá lớn và không phản ánh thực chất diễn biến lạm phát” là chưa chính xác. Nhận xét đó đúng với chỉ số CPI tổng thể, nhưng không đúng với cách giới phân tích đang sử dụng dữ liệu này).
Tuy nhiên, việc trì hoãn cũng không gây ra tổn thất đáng kể. Như chúng tôi từng đề cập, một “bí mật nhỏ” của chính sách tiền tệ là các thay đổi nhỏ về mức lãi suất hoặc thời điểm điều chỉnh thường không tạo ra khác biệt lớn đối với lạm phát. Nếu mức lãi suất thấp hơn 100 bps trong một năm chỉ đẩy lạm phát tăng thêm khoảng 0.2 điểm phần trăm, theo mô hình chính thức của RBA, thì giữ lãi suất cao hơn 25 bps trong năm tuần gần như không đáng kể.
Con người có xu hướng tự nhiên là muốn hạn chế sai lầm. Chúng tôi từng cảnh báo rằng khả năng cắt giảm lãi suất vào tháng 7 không phải là điều chắc chắn, khi ba trên chín thành viên hội đồng phản đối việc giữ nguyên lãi suất, nhiều khả năng họ muốn cắt giảm. Nhưng điều quan trọng là cần đối diện với những dự báo sai lầm và rút ra bài học từ đó. Và bài học lần này chính là: hãy tiếp tục tìm hiểu và phân tích ngay cả sau khi dự báo không chính xác.
Điều đầu tiên tôi đã đánh giá thấp là sức mạnh của các câu chuyện định hình tư duy con người. Đối đầu với lập luận “họ từng thảo luận cắt giảm 50 bps cơ mà!” hay những điều chỉnh giảm về quan điểm lãi suất trung lập chỉ là một phần. Tin rằng RBA sẽ cố bám vào mức lạm phát 2.9% vốn đã cũ kỹ, thay vì nhìn vào dữ liệu cập nhật, lại là vấn đề khác. Đánh giá của chúng tôi dựa trên dữ liệu mới hơn cho thấy lạm phát lõi hiện đang tiến gần về mức mục tiêu 2–3%. Có lẽ vì quá tin tưởng vào dữ liệu thực tế, tôi đã không cân nhắc đủ khả năng RBA tiếp tục giữ quan điểm cũ. Nói cách khác, tôi quá chú trọng vào điều RBA nên làm, thay vì điều họ sẽ làm.
Điểm thứ hai tôi đánh giá chưa đúng là yếu tố tâm lý. RBA không giống như Fed trong việc chủ động tạo bất ngờ cho thị trường. Rõ ràng ban lãnh đạo RBA không muốn định hướng thị trường trước cuộc họp, cũng không muốn để quyết định cuối cùng bị coi là áp đặt bởi thị trường tài chính, điều dễ xảy ra khi hội đồng có đông thành viên ngoài ngành ngân hàng trung ương.
Nhưng quan trọng hơn, lẽ ra tôi nên lưu tâm rằng RBA có thể tận dụng việc trì hoãn năm tuần, vốn không tốn kém nhiều về mặt chính sách, để khẳng định vị thế độc lập của mình. Điều mà một ngân hàng trung ương luôn tìm cách tránh chính là bị coi là mất độc lập, kể cả trước thị trường tài chính. Việc cắt giảm vào tháng 7, thay vì chờ các dự báo quý mới vào tháng 8, rất dễ khiến người ta nghĩ rằng RBA bị thị trường chi phối. Trong nội bộ RBA, việc tránh được ấn tượng đó có thể quan trọng hơn việc đối mặt với chỉ trích từ giới quan sát.
Hiệu ứng tâm lý trong chiến lược leo thang của Trump
Một phản ứng tâm lý tương tự, kiểu “tôi không làm theo ý các người”, cũng có thể thấy rõ trong các diễn biến thuế quan gần đây của Mỹ.
Khái niệm “Trump luôn nhượng bộ” được Rob Armstrong của bản tin Unhedged (Financial Times) nêu ra khá phổ biến gần đây. Thực tế, cách diễn đạt hợp lý hơn có lẽ là “Trump luôn mở màn bằng cách nói thách”,một chiến thuật đàm phán hơn là một đặc điểm tính cách. Bởi vì khi nhận thức này lan rộng, phản ứng tự nhiên của bất kỳ ai là muốn chứng minh điều ngược lại, không riêng gì ông Trump.
Kết quả là, chính quyền Mỹ không chỉ không nhượng bộ mà thậm chí còn leo thang yêu cầu về thuế quan trong một số trường hợp. Một phần đây là chiến thuật đàm phán nhằm buộc các đối tác đưa ra thêm nhượng bộ hoặc tiến tới thỏa thuận. Chính quyền Mỹ có thể cũng đã cảm thấy “yên tâm” bởi phản ứng khá ổn định của thị trường tài chính cũng như ảnh hưởng lạm phát ở Mỹ không quá lớn theo các số liệu gần đây. Với những quốc gia đã đạt thỏa thuận, thuế suất áp dụng thực tế cũng thấp hơn so với mức được tuyên bố ban đầu vào tháng Tư.
Bên cạnh đó, thuế quan còn được sử dụng như một công cụ thể hiện sức mạnh. Không chỉ phục vụ mục tiêu chính sách kinh tế, đây còn là cách khẳng định vai trò lãnh đạo của Mỹ, đúng như cách Nhà Trắng từng khẳng định: “Đảm bảo nước Mỹ giữ vững vị trí cầm lái.”
Các nguyên tắc kinh tế vẫn không thay đổi: thuế quan là con dao hai lưỡi, làm tổn hại chính nền kinh tế nội địa qua tác động lạm phát. Vì thế, giả định mặc định nên là các động thái leo thang này chủ yếu mang tính chiến thuật, không phải kết cục cuối cùng. Hơn nữa, mức thuế suất tương đối, chứ không chỉ mức tuyệt đối, cũng rất quan trọng, đặc biệt với các sản phẩm Mỹ không thể tự sản xuất được. Do đó, các nước đối mặt thuế suất 10% hay 20% không nên quá bi quan.
Tuy nhiên, xét cho cùng, đây vẫn là câu chuyện nhiều về tâm lý hơn là kinh tế. Mặc dù việc giảm leo thang từ các yêu sách ban đầu vẫn là kịch bản chính với hầu hết quốc gia, nhưng các “cơn bốc đồng” tạm thời hoàn toàn có thể xảy ra. Kết quả cuối cùng sẽ phụ thuộc vào việc các quốc gia khác biết cân bằng đúng mức giữa cứng rắn và linh hoạt. Các chính phủ và giới quan sát đều cần chú trọng hơn tới yếu tố tâm lý, và không ngừng học hỏi từ những sai lầm của chính mình cũng như của người khác.
Westpac Banking