Westpac Banking: Bài toán khó cho các ngân hàng trung ương - Cân bằng giữa lạm phát cao và tăng trưởng chậm

Diệu Linh
Junior Editor
Quan điểm của bộ phận phân tích tại Westpac Banking.

Tại Úc, sự kiện tâm điểm trong tuần là báo cáo Khảo sát Lực lượng Lao động tháng 6. Một lần nữa, báo cáo cho thấy kết quả kém tích cực khi số lượng việc làm chỉ tăng nhẹ (+2,000), gần như không thay đổi so với tháng 5 và tháng 6. Tuy nhiên, tốc độ tăng trưởng việc làm vẫn duy trì ở mức khá tốt với trung bình ba tháng đạt 2.3% mỗi năm. Điều đáng lưu ý là tổng số giờ làm việc trung bình giảm đáng kể (-1.0%), thấp hơn xu hướng dài hạn, qua đó lý giải nguyên nhân tỷ lệ thiếu việc làm tăng lên mức 6.0%.
Diễn biến đáng chú ý nhất trong báo cáo lần này là tỷ lệ thất nghiệp tăng 0.2 điểm phần trăm, đạt 4.3% sau năm tháng liên tiếp ổn định ở mức 4.1%. Sự gia tăng này phần lớn đến từ nhóm lao động trẻ (15-24 tuổi), với tỷ lệ thất nghiệp tăng mạnh 0.9 điểm phần trăm lên 10.4% trong tháng 6. Dù số liệu có thể mang tính nhiễu ngắn hạn, nhưng những biến động như vậy thường là tín hiệu ban đầu của xu hướng thất nghiệp gia tăng.
Cập nhật thị trường lao động trong hai tháng gần đây cho thấy dấu hiệu suy yếu dần đang quay trở lại, sau giai đoạn phục hồi gần đây. Việc RBA giữ nguyên lãi suất trong tháng 7, kết hợp với số liệu lao động kém khả quan, củng cố thêm khả năng ngân hàng trung ương sẽ cắt giảm 25 bps trong cuộc họp tháng 8.
Cũng liên quan đến Úc, chỉ số Tâm lý Người tiêu dùng Westpac-MI tuần qua phản ánh sự thất vọng của các hộ gia đình đối với quyết định tháng 7 của RBA. Các phản hồi khảo sát trước quyết định cho kết quả 95.6 điểm, nhưng sau quyết định đã giảm xuống 92.0 điểm. Kết quả chung là chỉ số tăng nhẹ 0.6% lên 93.1 điểm trong tháng 7. Chỉ số tâm lý vẫn ở vùng bi quan, phản ánh tác động kéo dài của áp lực chi phí sinh hoạt lên thu nhập thực tế và tiêu dùng. Các chỉ số phụ như “tài chính gia đình so với một năm trước” và “thời điểm phù hợp để mua sắm đồ gia dụng lớn” lần lượt thấp hơn 10% và 21% so với mức trung bình dài hạn. Dù vậy, các hộ gia đình vẫn kỳ vọng lãi suất sẽ giảm trong năm tới, điều này sẽ hỗ trợ phần nào cho sự phục hồi tiêu dùng và tài chính hộ gia đình.
Trên trường quốc tế, dư luận tiếp tục chú ý tới các chính sách thương mại của Mỹ, đặc biệt là đề xuất áp thuế với ngành dược phẩm nhập khẩu, khởi điểm có thể ở mức thấp nhưng có khả năng tăng tới 200%.
Về dữ liệu kinh tế, báo cáo mới nhất của Mỹ cung cấp thêm góc nhìn về tác động của thuế quan tới lạm phát tiêu dùng. Việc các doanh nghiệp tăng cường nhập khẩu trước thời điểm áp thuế, mức thuế tạm thời chỉ 10% và nhu cầu tiêu dùng yếu đã góp phần hạn chế chuyển giao chi phí trong tháng 6. Tuy nhiên, phân tích chi tiết CPI cho thấy ở nhiều phân khúc, doanh nghiệp đã bắt đầu chuyển chi phí gia tăng sang người tiêu dùng.
Cụ thể, giá nhóm hàng hóa cơ bản ghi nhận mức tăng rõ rệt: đồ nội thất tăng 1.0%, quần áo và mặt hàng giải trí cùng tăng 0.4%. Trái lại, giá ô tô cũ và ô tô mới lần lượt giảm 0.7% và 0.3%, phản ánh nhu cầu hàng bền yếu – tiêu dùng hàng bền đã giảm gần 4% tính theo năm trong GDP quý 1. và các dự báo mới nhất từ Fed Atlanta cho thấy đà giảm tiếp tục trong quý 2. Giá thực phẩm tăng 0.3%, phần nào cũng chịu tác động từ thuế quan, xét tới tỷ trọng nhập khẩu thực phẩm từ Mexico và Canada cùng đặc điểm dễ hỏng của nhóm hàng này. May mắn thay, giá nhà ở tiếp tục hạ nhiệt với mức tăng chỉ 0.2% trong tháng 6, tương đương 2.5% theo năm, giảm mạnh so với mức tăng trưởng 3.8% của giai đoạn tháng 6/2024 - tháng 6/2025.
Dữ liệu lạm phát giá sản xuất giảm từ 3.2%/năm xuống 2.6%/năm, cộng với việc các mức thuế quan mới chưa có hiệu lực ít nhất tới ngày 1/8, cho thấy áp lực giá từ thuế quan đối với lạm phát tiêu dùng trong ngắn hạn vẫn sẽ hạn chế. Tuy nhiên, với biên lợi nhuận doanh nghiệp bị thu hẹp và nhu cầu đầu tư để duy trì công suất sản xuất, khả năng các doanh nghiệp tiếp tục chuyển chi phí sang người tiêu dùng là rất cao. Nếu không, họ sẽ phải tiết giảm chi phí ở các mảng khác, mà khả năng lớn nhất là cắt giảm giờ làm việc và kìm hãm tăng trưởng tiền lương. Kịch bản cơ sở của chúng tôi đối với Mỹ là lạm phát duy trì trong vùng 2.5% - 3.0%/năm trong thời gian dài, đi kèm với mức tăng trưởng dưới xu hướng, khiến khả năng nới lỏng tiền tệ của Fed bị giới hạn.
Những nhận định này được củng cố bởi Sách Beige tháng 7 của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ. Các doanh nghiệp phản ánh “áp lực chi phí đầu vào từ vừa phải tới đáng kể, đặc biệt với nguyên liệu sản xuất và xây dựng”, đồng thời “nhiều doanh nghiệp đã chuyển một phần chi phí tăng thêm cho khách hàng, nhưng biên lợi nhuận vẫn bị thu hẹp do người tiêu dùng ngày càng nhạy cảm về giá cả”. Hoạt động kinh tế chỉ ghi nhận mức tăng trưởng “nhẹ”, việc làm tăng “rất khiêm tốn”.
Tại Trung Quốc, GDP nửa đầu năm tăng 5.3%, cho thấy mục tiêu tăng trưởng 5.0% cả năm hoàn toàn trong tầm tay. Tuy nhiên, cơ cấu tăng trưởng vẫn chưa vững chắc khi người tiêu dùng thận trọng chi tiêu và tâm lý đầu tư bất động sản tiếp tục u ám. Dù doanh số bán lẻ tăng trưởng khá ở mức 5.0%, đầu tư bất động sản vẫn giảm mạnh 11%, giá nhà mới và cũ đều tiếp tục giảm. Đầu tư bất động sản tiếp tục là lực cản lớn nhất đối với tổng vốn đầu tư tài sản cố định, chỉ tăng 2.8% tính từ đầu năm. Bên cạnh đó, hai lĩnh vực trọng điểm trong sản xuất công nghệ cao (máy móc điện và hóa chất) cũng bắt đầu suy giảm sau giai đoạn tăng trưởng mạnh mẽ, khiến đóng góp của các ngành khác như tiện ích trở nên không cân xứng. Xuất khẩu vẫn đóng góp tích cực với thặng dư thương mại quay lại gần mức đỉnh lịch sử của tháng 1. Tuy vậy, đóng góp của xuất khẩu ròng vào GDP sẽ dần thu hẹp, buộc nhu cầu nội địa phải tăng mạnh nếu Trung Quốc muốn đạt mục tiêu tăng trưởng 4.6% năm 2026, chưa nói tới mục tiêu gần 5.0% cho năm 2025.
Cuối cùng là Vương quốc Anh, nơi lạm phát tháng 6 tăng lên 3.6%/năm, và lạm phát cơ bản duy trì ở mức 3.7%/năm, trong khi lạm phát dịch vụ đứng ở mức cao 4.7%/năm. Thu nhập trung bình hàng tuần giảm tốc còn 5.0%/năm trong tháng 5. trong khi tỷ lệ thất nghiệp tăng lên 4.7%. Các chỉ số khác như Khảo sát Bảng Quyết định cũng cho thấy thị trường lao động tiếp tục suy yếu, và các rủi ro lạm phát chủ yếu nằm về phía cung. Dự báo của chúng tôi là Ngân hàng Anh sẽ tiếp tục nới lỏng chính sách dần dần, hướng về mức trung lập trong năm tới.
Westpac Banking