MUFG - Asia FX: Các đồng tiền khu vực thoái lui do lo ngại về thuế quan và đà tăng của đồng USD

Diệu Linh
Junior Editor
Quan điểm từ bộ phận phân tích của Asia FX.

Dữ liệu kinh tế Mỹ công bố ngày hôm qua tiếp tục phản ánh đà phục hồi tích cực, hỗ trợ chỉ số DXY tăng thêm 0.3%. Doanh số bán lẻ trong tháng 6 tăng 0.6% so với tháng trước, đảo chiều hoàn toàn so với mức giảm 0.9% của tháng 5 và vượt xa kỳ vọng thị trường ở mức tăng 0.1%. Doanh số bán lẻ lõi (không bao gồm ô tô và xăng dầu) cũng ghi nhận mức tăng 0.6% so với tháng trước, cải thiện đáng kể so với mức giảm 0.1% của tháng trước và vượt qua dự báo đồng thuận là tăng 0.3%. Doanh số bán lẻ nhóm kiểm soát, chỉ báo có liên quan chặt chẽ tới GDP, cũng tăng mạnh 0.5%, cao hơn mức 0.2% của tháng trước.
Cùng thời điểm, số đơn xin trợ cấp thất nghiệp lần đầu giảm xuống còn 221,000 đơn trong tuần (6-12/7), giảm so với mức 228,000 đơn của tuần trước và thấp hơn đáng kể so với ước tính của thị trường ở mức 233,000. Ngoài ra, dòng vốn đầu tư danh mục ròng từ nước ngoài theo báo cáo TIC tăng vọt lên 311.1 tỷ USD trong tháng 5, đảo ngược hoàn toàn so với dòng vốn rút ròng 14.2 tỷ USD trong tháng 4, thời điểm đánh dấu việc Tổng thống Trump lần đầu công bố các mức thuế quan đáp trả đối tác thương mại.
Dù dữ liệu vĩ mô cho kết quả tích cực vượt kỳ vọng, lợi suất trái phiếu chính phủ Mỹ kỳ hạn 2 năm chỉ nhích nhẹ thêm 1 bps trong phiên hôm qua. Về phát biểu chính sách tiền tệ, lập trường của các quan chức Cục Dự trữ Liên bang (Fed) vẫn khá phân hóa. Bà Daly cho rằng Fed không nên chờ đợi quá lâu để bắt đầu chu kỳ cắt giảm lãi suất; ông Waller ủng hộ việc hạ lãi suất ngay trong tháng 7, trong khi bà Kugler cho rằng nên duy trì lãi suất ở mức hiện tại thêm một thời gian. Ngoài ra, ông Bostic cảnh báo rằng triển vọng kinh tế vẫn còn nhiều bất ổn, đồng thời nhấn mạnh tác động từ điều chỉnh thuế quan có thể kéo dài nhiều tháng, khiến khả năng hạ lãi suất trong ngắn hạn trở nên khó khăn hơn.

Tại khu vực châu Á, các đồng tiền đang chịu sức ép từ sự phục hồi của USD, khi thị trường quay trở lại tập trung vào câu chuyện thuế quan. Thêm vào đó, chênh lệch lợi suất tiếp tục nghiêng về phía đồng USD, tạo thêm áp lực giảm giá đối với các đồng tiền trong khu vực. Để đối phó với rủi ro thuế quan gia tăng và hỗ trợ tăng trưởng, nhiều ngân hàng trung ương châu Á đã chủ động hạ lãi suất chính sách. Dù các vị thế bán ròng USD vẫn hiện diện trên thị trường, nhưng hoạt động cắt lỗ và đóng trạng thái bán đã góp phần hỗ trợ đà phục hồi của đồng Đô la trong thời gian gần đây.
Đáng chú ý, đồng baht Thái Lan vẫn thể hiện khả năng chống chịu tốt bất chấp sức mạnh của USD, các rủi ro thuế quan gia tăng và bất ổn chính trị trong nước. Thị trường hiện chưa phản ánh đáng kể các yếu tố rủi ro chính trị vào giá. Về diễn biến nội bộ, Thủ tướng bị đình chỉ Paetongtarn đã yêu cầu gia hạn thời gian để phản hồi trước tòa án về cáo buộc vi phạm đạo đức liên quan tới cuộc điện đàm bị rò rỉ với cựu Thủ tướng Campuchia Hun Sen. Trên phương diện thương mại, Thái Lan đã đề xuất loại bỏ thuế quan với 90% hàng hóa nhập khẩu từ Mỹ nhằm tránh nguy cơ bị áp thuế đối ứng ở mức 36%, đồng thời xem xét hạ mức thuế xuống khoảng 18%-20%. Nếu được thông qua, đề xuất này có thể giúp giảm thặng dư thương mại của Thái Lan với Mỹ tới 70% trong vòng ba năm tới.
MUFG