Trumponomics 2.0 sẽ làm xói mòn nền tảng thịnh vượng của nước Mỹ

Tùng Nguyễn, CFA, CMT
Economist
Dự luật Lớn Đẹp đẽ là triệu chứng của một sự xấu xí lớn hơn.

Liệu đó có phải chỉ là một báo động giả? Nỗi lo sợ về nền kinh tế thế giới sau khi Tổng thống Donald Trump áp thuế quan "Ngày Giải phóng" hồi tháng Tư đã nhường chỗ cho sự lạc quan ngày càng tăng. Tác động lạm phát của thuế quan cho đến nay đã được kiềm chế. Trong các cuộc gặp riêng rẽ, các lãnh đạo cho biết giờ đây họ kỳ vọng các cuộc chiến thương mại sẽ tạo ra các thỏa thuận thương mại, chứ không phải chúng là điểm kết thúc. Các cuộc khảo sát cho thấy niềm tin của doanh nghiệp và người tiêu dùng, mặc dù thấp, đang được cải thiện. Chỉ số chứng khoán S&P 500 đã đạt mức cao kỷ lục.
Và như chúng tôi đã đưa tin, Dự luật Lớn Đẹp đẽ (BBB) đã được Thượng viện thông qua vào ngày 1 tháng 7 và Hạ viện vào ngày 3 tháng 7 trông giống như một chủ nghĩa Cộng hòa truyền thống với việc cắt giảm thuế, cắt giảm chi tiêu xứng đáng với Paul Ryan hay Mitt Romney hơn là một ảo tưởng về MAGA. Đột nhiên, các nhà lãnh đạo doanh nghiệp lại một lần nữa sẵn sàng nhìn nhận ông Trump như một người theo chủ nghĩa dân túy từ nhiệm kỳ đầu tiên của ông: một người đàn ông đáng được coi trọng nhưng không phải để tin tưởng.
Thật không may, BBB mà ông Trump ký thành luật vào ngày 4 tháng 7, có thể sẽ phủ bóng đen lên bức tranh tươi sáng này. Nó khắc họa cho thiệt hại lâu dài mà ông Trump đang gây ra cho nền tảng của nền kinh tế Mỹ.
Tác động chính của dự luật là kéo dài các khoản cắt giảm thuế từ nhiệm kỳ đầu tiên của ông Trump, vốn đã sắp hết hạn. Đảng Cộng hòa coi đây là sự kéo dài của hiện trạng. Tuy nhiên, họ, giống như những người Dân chủ trước đây, đã bỏ qua thực tế rằng hiện trạng là không bền vững. Trong 12 tháng qua, thâm hụt ngân sách của Mỹ đã lên tới con số đáng kinh ngạc là 6.7% GDP. Nếu dự luật được thông qua, thâm hụt sẽ vẫn ở mức đó và tỷ lệ nợ trên GDP của đất nước sẽ vượt quá mức 106% kỉ lục từ sau Thế chiến thứ hai trong khoảng hai năm nữa. Doanh thu từ thuế quan sẽ giúp ích, nhưng không đủ để ngăn chặn tỷ lệ này tăng lên - nghĩa là sự trôi dần vào khủng hoảng sẽ tiếp tục.
Mặc dù dự luật thắt lưng buộc bụng, nhưng nó lại làm điều đó không đúng chỗ. Khi tuổi thọ trung bình tăng lên và dân số già đi, nước Mỹ nên cắt giảm trợ cấp cho người già, ví dụ như bằng cách tăng tuổi nghỉ hưu. Thay vào đó, người về hưu đang được giảm thuế và Đảng Cộng hòa đang cắt giảm Medicaid, bảo hiểm y tế cho người nghèo. Một số biện pháp hợp lý bao gồm việc giảm khả năng các tiểu bang lợi dụng hệ thống để xin thêm tiền liên bang. Tuy nhiên, theo dự đoán chính thức, tác động tổng thể sẽ là thêm gần 12 triệu người Mỹ không có bảo hiểm y tế. Đó là một con số đáng xấu hổ đối với quốc gia lớn giàu nhất thế giới. Những quy định về bảo hiểm trong quá khứ đã tạo ra một trở ngại về thủ tục giấy tờ cho người yêu cầu bảo hiểm trong khi không thúc đẩy việc làm. Nhiều tiền tiết kiệm hơn đến từ việc bãi bỏ các khoản tín dụng thuế cho năng lượng sạch được thông qua dưới thời Tổng thống Joe Biden. Các khoản tín dụng này đầy rẫy những yêu cầu bảo hộ "mua hàng Mỹ" mà chúng tôi phản đối. Nhưng vì Quốc hội phản đối việc định giá carbon, nên sẽ không có gì thay thế chúng. Đất nước sẽ một lần nữa thiếu đi chính sách liên bang về phi carbon hóa, và lượng khí thải nhà kính sẽ lớn hơn mức đáng lẽ phải có. Nỗi hoài niệm về nhiên liệu hóa thạch của ông Trump đã bỏ qua tiềm năng của năng lượng tái tạo trong việc làm cho năng lượng trở nên dồi dào hơn nhiều. Điều đó thật ngớ ngẩn khi cuộc đua về trí tuệ nhân tạo tổng quát một phần là cuộc đua giành nguồn điện cần thiết để đào tạo các mô hình khổng lồ.
Ngay cả cách dự luật được thông qua cũng cho thấy sự rối loạn chức năng đang dần lan rộng của nước Mỹ. BBB rất lớn bởi vì các đảng cầm quyền rất hiếm khi có nhiều hơn một cơ hội mỗi năm để thông qua dự luật thuế và chi tiêu với chỉ 51 phiếu bầu tại Thượng viện, thay vì 60 phiếu cần thiết để lách luật filibuster. Trong một dự luật lớn như vậy, những cải cách quan trọng không được xem xét kỹ lưỡng, và rất nhiều tiền có thể được sử dụng để mua sự ủng hộ của các nghị sĩ.
Những người lạc quan thừa nhận một phần hoặc toàn bộ điều này, nhưng lập luận rằng tăng trưởng kinh tế sẽ xóa tan mọi lo lắng. Tăng trưởng nhanh hơn sẽ giảm bớt gánh nặng nợ nần, mang lại lợi ích cho người nghèo thông qua việc làm nhiều hơn và mức lương cao hơn, đồng thời khiến tình trạng bất ổn chính trị dường như không còn liên quan đến kinh tế. Quả thực, chính quyền dự kiến sản lượng sẽ tăng gần 5% trong bốn năm tới.
Tuy nhiên, thật sai lầm khi kỳ vọng dự luật này sẽ tạo ra sự bùng nổ tăng trưởng. Việc cắt giảm thuế từ BBB vốn đã có hiệu lực sẽ không mang lại nhiều kích thích mới, và thuế quan chỉ là một lượng bù trừ. Trong mọi trường hợp, lãi suất hiện đã cao gấp ba lần so với mức khi ông Trump cắt giảm thuế lần trước, và Cục Dự trữ Liên bang có nhiều khả năng sẽ cân bằng chính sách tài khóa nới lỏng hơn với những điều chỉnh trong lập trường chính sách tiền tệ. Việc cắt giảm thuế từ phía cung sẽ giúp thúc đẩy đầu tư, nhưng chỉ chiếm 8% tổng chi phí. Nhiều khoản cắt giảm thuế mới, bao gồm miễn thuế tiền boa và làm thêm giờ, chỉ là những chiêu trò. Chương trình nghị sự bãi bỏ quy định của chính quyền có thể giúp ích, nhưng chỉ ở mức độ hạn chế.
Trên thực tế, đà phát hành nợ của Mỹ sẽ ngày càng gây hại cho tăng trưởng. Trong thời kỳ bình thường, nợ công lấn át đầu tư tư nhân, làm tăng chi phí vốn cho các dự án mới như trung tâm dữ liệu. Và chi phí của một sự điều chỉnh tài khóa đột ngột, do thị trường trái phiếu gây áp lực lên nước Mỹ, sẽ rất lớn. Ngân hàng Goldman Sachs ước tính rằng nếu Quốc hội hoãn thắt chặt tài khóa thêm một thập kỷ nữa, thì khi đó họ có thể cần phải cắt giảm chi tiêu hoặc tăng thuế 5.5% GDP hàng năm để ổn định tỷ lệ nợ trên GDP. Con số này còn lớn hơn cả chính sách thắt lưng buộc bụng mà khu vực đồng euro phải chịu đựng sau cuộc khủng hoảng nợ công những năm 2010. Nếu điều đó tỏ ra quá khó khăn đối với các nhà lập pháp, Mỹ có thể sẽ phải dùng đến các chiến thuật được sử dụng sau Thế chiến thứ hai: lạm phát và đàn áp tài chính.
Khi những cuộc bỏ phiếu tại quốc hội mang đến bi kịch
Việc BBB bỏ qua yếu tố dài hạn là một phần của tình trạng bất ổn rộng lớn hơn. Tự mãn với sức mạnh kinh tế và lợi thế đàm phán không thể nghi ngờ của Mỹ, ông Trump đã phớt lờ nền tảng thành công của đất nước này. Ông đã tiếp tục công kích Cục Dự trữ Liên bang (Fed), tạo thêm một mối đe dọa nữa cho sự ổn định kinh tế. Việc cắt giảm ngân sách nghiên cứu khoa học sẽ gây tổn hại đến sự đổi mới của Mỹ. Cách tiếp cận thiếu thận trọng đối với pháp quyền khiến nước Mỹ trở thành một nơi đầu tư rủi ro hơn. Và bất chấp sự điều chỉnh với chiến tranh thương mại, mức thuế quan trung bình vẫn ở mức cao nhất trong một thế kỷ và sự bất ổn về chính sách thương mại là một gánh nặng. Ngay cả khi tài sản của Mỹ bùng nổ tính theo đô la, chúng vẫn tụt hậu khi được định giá bằng ngoại tệ. Việc đồng đô la giảm 11% trong năm nay phản ánh những rủi ro dài hạn đối với nền kinh tế Mỹ, vốn dĩ có thật và đang gia tăng.
The Economist