Tin tức Chỉ số Hang Seng: Tâm lý thị trường chịu áp lực bởi lo ngại thuế quan và đà giảm của nhóm cổ phiếu công nghệ

Diệu Linh
Junior Editor
Hang Seng giảm 0.37% do tâm lý thị trường yếu đi trước nguy cơ gia tăng thuế quan và hợp đồng tương lai Mỹ suy yếu. Các ông lớn công nghệ như Alibaba, Baidu và JD.com dẫn đầu đà giảm khi chi phí vay cao và căng thẳng thương mại làm lu mờ triển vọng tăng trưởng. Hạn chót thuế quan 1/8 do ông Trump đặt ra khiến thị trường lo lắng, đặc biệt sau khi ông cảnh báo sẽ trừng phạt các doanh nghiệp liên kết với chính sách của BRICS.

Hợp đồng tương lai chứng khoán Mỹ giảm, kéo Hang Seng đi xuống giữa làn sóng tin tức mới về thuế quan
Tổng thống Trump vừa công bố cập nhật mới liên quan đến thuế quan, làm dấy lên lo ngại về thời điểm áp dụng lại thuế vào “Ngày Giải phóng” sắp tới.
Vào thứ Hai, ngày 7/7, Chỉ số Hang Seng đánh dấu chuỗi ba phiên giảm liên tiếp, với cổ phiếu công nghệ tiếp tục là nhóm kéo chỉ số đi xuống.
Trong tuần này, các dữ liệu kinh tế quan trọng, diễn biến trong đàm phán thương mại và định hướng từ ngân hàng trung ương toàn cầu sẽ tiếp tục là các yếu tố chính định hình xu hướng thị trường. Diễn biến sắp tới sẽ quyết định liệu Hang Seng có phá vỡ mức hỗ trợ 23,500 hay lấy lại mốc 24,500.
Tâm lý thị trường bị thử thách trước viễn cảnh thuế quan mới
Hợp đồng tương lai Mỹ giảm trong phiên sáng 7/7, với Nasdaq 100 mất 102 điểm. Hang Seng nối gót, giảm 0.37% xuống 23,827 điểm. Các báo cáo về việc chính quyền Mỹ đang lên kế hoạch gửi thêm thư thuế quan trước thời hạn ngày 1/8 càng làm gia tăng bất ổn thị trường.
Tại Trung Quốc đại lục, các chỉ số CSI 300 và Shanghai Composite cũng lần lượt giảm 0.47% và 0.12%. Việc Bắc Kinh giữ im lặng về các biện pháp kích thích kinh tế, cộng với tâm lý lo ngại về thương mại sau chỉ số PMI Caixin tuần trước, càng làm suy yếu đà phục hồi của thị trường trong khu vực.
Cổ phiếu công nghệ lao dốc trước nguy cơ áp thuế cao hơn
Triển vọng thuế quan của Mỹ tiếp tục gây áp lực lên nhóm công nghệ - vốn nhạy cảm với lãi suất và rủi ro vĩ mô. Tâm lý nhà đầu tư đang bị ảnh hưởng bởi đà giảm kỳ vọng Fed cắt giảm lãi suất cũng như thỏa thuận thương mại Mỹ-Việt Nam mới được công bố.
Việc áp thuế và chi phí vay cao có thể làm trầm trọng thêm áp lực lợi nhuận trong ngành công nghệ. Xác suất Fed hạ lãi suất vào tháng 9 đã giảm từ 91,4% (27/6) xuống còn 68,1% (3/7), sau báo cáo việc làm Mỹ vượt kỳ vọng – củng cố quan điểm “kiên nhẫn” từ Chủ tịch Fed Powell.
Đáng chú ý, mức thuế 40% đối với hàng hóa trung chuyển qua Việt Nam có thể ảnh hưởng trực tiếp đến các nhà xuất khẩu Trung Quốc.
Trong phiên 7/7, cổ phiếu Alibaba (9988) giảm 1.24%, Baidu (9888) giảm 0.23% và JD.com (9618) mất 0.48%, kéo chỉ số Hang Seng TECH giảm 0.46%.
Thuế BRICS của ông Trump có làm rung chuyển thị trường?
Các thông tin về việc ông Trump đe dọa áp thuế 10% đối với các doanh nghiệp có liên kết với chính sách “chống Mỹ” của BRICS đã tạo thêm sức ép tiêu cực lên thị trường trong ngày 7/7. Ông tuyên bố:
“Bất kỳ công ty nào gắn với chính sách chống lại lợi ích của nước Mỹ, theo định hướng BRICS, sẽ chịu thuế bổ sung 10%. Không có ngoại lệ.”
Tuyên bố này được đưa ra giữa lúc chính quyền Mỹ đẩy mạnh cập nhật về tiến trình đàm phán và áp dụng thuế quan.
Ông Trump cho biết thêm nhiều thư thuế sẽ được gửi đi trong ba ngày đầu tuần, với hầu hết các quốc gia sẽ có thỏa thuận hoặc nhận thông báo trước ngày 9/7. Trong khi đó, Bộ trưởng Thương mại Mỹ Howard Lutnick khẳng định:
“Thuế sẽ có hiệu lực từ 1/8, nhưng Tổng thống đã bắt đầu thiết lập mức thuế và thỏa thuận ngay từ bây giờ.”
Các thỏa thuận có thể tương tự như thỏa thuận Mỹ-Việt Nam, qua đó gián tiếp nhắm tới Trung Quốc. Điều này dự kiến có ảnh hưởng sâu rộng đến điều kiện thương mại và nền kinh tế Trung Quốc.
Theo China Beige Book, xuất khẩu của Trung Quốc sang Mỹ đã giảm 43% trong tháng 5 so với cùng kỳ năm ngoái. Tuy nhiên, tổng kim ngạch xuất khẩu lại tăng 4,8% nhờ lượng hàng xuất khẩu sang ASEAN tăng 15% và sang EU tăng 12%. Xu hướng này cho thấy mức thuế trung chuyển có thể tác động mạnh đến nhu cầu hàng hóa Trung Quốc tại các thị trường thay thế.
Phân tích kỹ thuật: Sẽ vượt 24,500 hay rơi về 23,000?
Tính đến ngày 7/7, Hang Seng vẫn dao động trong vùng tắc nghẽn từ tháng 5 đến tháng 6. Dù đã giảm ba phiên liên tiếp, chỉ số vẫn giữ được vị thế trên đường EMA 50 ngày – dấu hiệu cho thấy đà tăng vẫn chưa bị phá vỡ.
Nếu có tín hiệu kích thích từ Bắc Kinh hoặc căng thẳng thương mại được hạ nhiệt, chỉ số có thể tiến tới vùng 24,000. Nếu bứt phá rõ ràng, mục tiêu kế tiếp sẽ là mức đỉnh ngày 25/6 tại 24,533, rồi xa hơn là mức đỉnh tháng 3 ở 24,874.
Ngược lại, nếu Hang Seng xuyên thủng đường EMA 50 ngày và mức hỗ trợ 23,500, chỉ số có thể giảm sâu về 23,000.

Biểu đồ khung Ngày Chỉ số Hang Seng – 070725
Triển vọng kỹ thuật Hang Seng
- Kháng cự: 24,000 – 24,533 – 24,874
- Hỗ trợ: EMA 50 ngày (23.524), kế đến là 23,000
- Thiên hướng ngắn hạn: Tăng nhẹ nhưng phụ thuộc vào diễn biến thương mại, dữ liệu sắp công bố từ Trung Quốc và định hướng chính sách tiền tệ toàn cầu.
Nhận định chỉ số Hang Seng: Phá vỡ 24,500 hay giảm về 23,000?
Chỉ số Hang Seng hiện đang dao động trong biên độ hẹp, trong khi vẫn duy trì trên EMA 50 ngày – tín hiệu cho thấy thị trường vẫn trong thế giằng co giữa lực mua và các rủi ro bên ngoài.
Dù các lệnh nới lỏng xuất khẩu gần đây giữa Mỹ và Trung Quốc phần nào giảm nhẹ áp lực, thỏa thuận Mỹ-Việt Nam lại cho thấy ý định rõ ràng của chính quyền Mỹ trong việc nhắm tới dòng chảy thương mại khu vực.
Nhu cầu quốc tế suy yếu, đặc biệt từ các thị trường chuyển hướng như ASEAN, có thể gây thêm áp lực lên lợi nhuận doanh nghiệp và thị trường lao động tại Trung Quốc. Sự thiếu vắng tín hiệu kích thích từ Bắc Kinh và nguy cơ thuế mới có hiệu lực từ 1/8 vẫn là các yếu tố khiến chỉ số dễ bị bán tháo.
Tuy nhiên, nếu thuế quan được nới lỏng hoặc Bắc Kinh tung ra gói hỗ trợ kinh tế mới, tâm lý thị trường có thể cải thiện đáng kể, đưa Hang Seng trở lại vùng kháng cự quan trọng tại 24,874.
fxempire