Tin sớm: Tâm điểm dồn về lạm phát Mỹ

Diệu Linh
Junior Editor
Ngoài dữ liệu lạm phát CPI tháng 6 của Canada, sự kiện rủi ro chính ngày hôm nay sẽ là báo cáo lạm phát CPI tháng 6 của Mỹ, được công bố vào lúc 12:30 GMT.

Thuế quan là chủ đề chẳng bao giờ hết nóng
Thuế quan tiếp tục là chủ đề trung tâm trong các bài phân tích của tôi suốt thời gian qua.
Tổng thống Mỹ Donald Trump gần đây đã tuyên bố áp thuế mới 30% đối với hàng hóa nhập khẩu từ Liên minh Châu Âu (EU). Phía EU được cho là đang chuẩn bị các biện pháp đáp trả, với danh sách thuế quan tổng trị giá lên đến 72 tỷ euro. Động thái này dường như nhằm gửi thông điệp tới Mỹ rằng EU ưu tiên đạt thỏa thuận trước ngày 1 tháng 8 để tránh leo thang căng thẳng thương mại, đồng thời thể hiện sẵn sàng trả đũa nếu cần thiết. Tất nhiên, các thị trường kỳ vọng các mức thuế này sẽ không được thực thi, vì một cuộc chiến thuế quan căng thẳng sẽ gây tổn hại đáng kể đến đồng euro và nền kinh tế chung của châu Âu.
Ngoài ra, Tổng thống Trump còn đe dọa áp thuế quan 100% đối với Nga nếu không đạt thỏa thuận ngừng bắn trong vòng 50 ngày. Tại cuộc gặp với Tổng thư ký NATO Mark Rutte ở Phòng Bầu dục, ông bày tỏ sự “rất, rất không hài lòng với Nga” và khẳng định sẽ cung cấp vũ khí cho Ukraine, song nhấn mạnh chi phí sẽ do các nước thành viên NATO chi trả.
Tâm điểm kinh tế vĩ mô hôm nay: Lạm phát Mỹ
Ngoài báo cáo chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 6 của Canada, sự kiện quan trọng nhất hôm nay là công bố dữ liệu CPI tháng 6 của Mỹ vào lúc 12:30 GMT. Các nhà kinh tế dự báo mức tăng vừa phải trong áp lực giá cả tổng thể và CPI lõi tại Mỹ. Mặc dù tác động từ thuế quan có thể xuất hiện trong báo cáo này, song chưa đủ mạnh để thúc đẩy Cục Dự trữ Liên bang (Fed) nới lỏng chính sách ngay trong tháng tới. Lạm phát do thuế quan gây ra được kỳ vọng là câu chuyện dài hạn, chứ không phải biến động đột ngột trong một báo cáo duy nhất.
Nếu dữ liệu CPI vượt dự báo, như tôi đã đề cập trong bài viết dự báo tuần, thị trường có thể chứng kiến một đợt bán tháo trái phiếu kho bạc Mỹ và nhu cầu tăng mạnh đối với đồng USD. Xu hướng mua USD cũng được củng cố bởi các vị thế COT đang cho thấy đồng bạc xanh bị bán quá mức, cùng với bức tranh kỹ thuật thuận lợi trên các biểu đồ trung và dài hạn.
Bên cạnh đó, bài phát biểu thường niên của Bộ trưởng Tài chính Anh Rachel Reeves tại Mansion House, London, sẽ là điểm đáng chú ý tối nay. Trong bối cảnh kinh tế Anh chững lại, đầu tư giảm sút và nợ công gần chạm mốc 100% GDP, thị trường sẽ tìm kiếm các tín hiệu ổn định từ bà Reeves, đặc biệt sau khi bà từng xuất hiện đầy cảm xúc tại Quốc hội, dẫn tới áp lực tăng lợi suất trái phiếu Gilt và sự bán tháo đồng bảng Anh (GBP).
Ngoài ra, báo cáo kết quả kinh doanh của các ngân hàng lớn như JPMorgan Chase (JPM), Wells Fargo (WFC), Citigroup (C) và BlackRock (BLK) cũng được theo dõi sát sao hôm nay.
Diễn biến thị trường
Trong phiên đầu giờ giao dịch tại châu Âu, hợp đồng tương lai các chỉ số chứng khoán Mỹ đang tăng nhẹ, cùng với sắc xanh của các thị trường tiền mặt châu Âu. DAX tăng 0.3%, trong khi STOXX Europe 600 cộng thêm 0.2%.
Lợi suất trái phiếu kho bạc Mỹ tăng mạnh hôm qua, với kỳ hạn 30 năm tiến sát ngưỡng tâm lý 5%, tạo điều kiện thuận lợi cho dòng tiền đổ vào trái phiếu dài hạn. Đồng USD sáng nay giảm nhẹ 0.1% theo chỉ số USD, trong khi tỷ giá EUR/USD tăng 0.4%.
Trên thị trường hàng hóa, vàng và bạc giao ngay đều tăng 0.5% sau phiên điều chỉnh nhẹ hôm qua. Đáng chú ý, giá bạc gần đây đã đạt mức cao nhất kể từ cuối năm 2011, ở ngưỡng 39.13 USD.
Ngoài ra, thị trường tiền ảo cũng thu hút sự quan tâm khi Bitcoin (BTC/USD) mới đạt đỉnh kỷ lục gần 123,000 USD. Tuy nhiên, nến giảm dạng sao băng xuất hiện hôm qua báo hiệu rủi ro điều chỉnh, với BTC hiện giảm gần 3%, thử nghiệm vùng hỗ trợ quanh 117,000 USD.
fxempire