Swissquote Bank: Thị trường đối mặt với vòng thuế quan mới - Châu Âu, Nhật Bản và Trung Quốc bị đánh thuế nặng

Diệu Linh
Junior Editor
Quan điểm từ bộ phận phân tích của Swissquote Bank.

Cuối tuần qua, Donald Trump tiếp tục công bố các mức thuế quan mới, thông báo rằng Liên minh Châu Âu (EU) và Mexico sẽ phải chịu thuế suất 30% bắt đầu từ ngày 1 tháng 8. Con số này vượt xa kỳ vọng của EU, nơi các nhà hoạch định chính sách hy vọng mức thuế sẽ tương tự như thỏa thuận với Anh (chỉ khoảng 10), kèm theo các ngoại lệ đối với các lĩnh vực chiến lược như kim loại và dược phẩm. Thay vào đó, họ đối mặt với mức thuế cao ngất ngưởng 30%.
Trump để ngỏ khả năng đàm phán thêm và sẵn sàng thực hiện một số điều chỉnh nhỏ. Tuy nhiên, với chuỗi các mức thuế được công bố liên tục trong những ngày gần đây, nhiều nhà phân tích đặt câu hỏi liệu còn có giá trị gì khi tiếp tục đàm phán với một chính quyền có vẻ thiếu định hướng, hay liệu EU nên chuyển hướng sang tìm kiếm các thỏa thuận mới với những đối tác khác, đây hiện đang là chủ đề thảo luận sôi nổi tại Châu Âu.
Trong bối cảnh đó, hợp đồng tương lai của Mỹ và Châu Âu đồng loạt giảm trong phiên giao dịch sáng nay. Chịu tác động mạnh nhất là hợp đồng tương lai DAX, giảm 0.60% tính tới thời điểm hiện tại, trong khi hợp đồng tương lai FTSE gần như đi ngang. Ngày càng có nhiều dấu hiệu cho thấy Anh sẽ là một trong số ít đối tác được hưởng ưu đãi giữ mức thuế 10% để tiếp cận thị trường Mỹ. Dẫu vậy, ngay cả ưu thế này cũng chưa mang lại hiệu quả tích cực.
Các số liệu kinh tế công bố hôm thứ Sáu tuần trước cho thấy nền kinh tế Anh đang suy yếu rõ rệt. GDP giảm tháng thứ hai liên tiếp, sản xuất công nghiệp và sản xuất chế tạo đều sụt giảm mạnh hơn dự báo, chịu sức ép từ giá năng lượng tăng cao, thuế tài sản gia tăng và môi trường thương mại bất ổn. Điều này đã khiến tỷ giá GBP/USD giảm xuống dưới mốc 1.35, đồng thời phá vỡ đường trung bình động 50 ngày. Các chỉ báo xu hướng và động lượng của đồng bảng Anh tiếp tục duy trì xu hướng tiêu cực, phản ánh triển vọng tăng trưởng ảm đạm và khả năng tài khóa bị siết chặt — một môi trường mà thuế có xu hướng tăng và chi tiêu bị cắt giảm, qua đó kìm hãm tăng trưởng. Trong bối cảnh đó, EUR/GBP đang tiếp tục xu hướng đi lên, với mục tiêu hướng tới vùng 88–89 cent trong ba tháng tới.
Ở quy mô toàn cầu, đồng USD mở đầu tuần mới với xu hướng suy yếu khi căng thẳng thương mại làm giảm nhu cầu đối với tài sản an toàn. Tuy nhiên, USD/JPY lại đang tăng cao hơn khi bất ổn chính trị tại Nhật Bản tạo ra áp lực lớn hơn so với sự giảm giá của đồng đô la Mỹ. Lợi suất trái phiếu chính phủ Nhật Bản tiếp tục chịu áp lực tăng mạnh trong phiên sáng nay, trước thềm cuộc bầu cử Thượng viện diễn ra vào Chủ Nhật. Giới đầu tư lo ngại nếu Đảng Dân chủ Tự do (LDP) duy trì được thế đa số, chính phủ Nhật có thể đẩy mạnh các gói kích thích tài khóa, bao gồm khả năng cắt giảm thuế tiêu dùng. Điều đáng lưu ý là các quỹ hưu trí và công ty bảo hiểm Nhật Bản hiện là những người mua lớn của trái phiếu Kho bạc Mỹ, nên việc lợi suất nội địa tăng có thể khuyến khích họ hồi hương dòng vốn, gây ra những biến động trên thị trường trái phiếu và cổ phiếu toàn cầu.
Ở Trung Quốc, tuần mới khởi đầu với những tín hiệu tích cực. Xuất khẩu trong tháng 5 tăng 5,8%, vượt mức dự báo 5%, một phần nhờ việc cắt giảm một số loại thuế quan đối với Mỹ. Chỉ số CSI 300 ghi nhận diễn biến khả quan, trong khi chỉ số Hang Seng tiến sát mức cao nhất từ đầu năm 2025. Nếu Trung Quốc tận dụng được điểm yếu hiện tại của Mỹ để cải thiện các mối quan hệ thương mại toàn cầu, đây sẽ được coi là một thắng lợi chiến lược đối với Bắc Kinh.
Tuy nhiên, không thể bỏ qua việc căng thẳng giữa EU và Trung Quốc cũng đang gia tăng. Các quan chức châu Âu ngày càng chỉ trích chính sách công nghiệp của Trung Quốc khi các doanh nghiệp nội địa không thể cạnh tranh nổi về giá cả. Điều này phần nào phản ánh chênh lệch cấu trúc chi phí lao động: mức lương cơ bản tại Trung Quốc dao động từ 500-800 USD/tháng, trong khi con số này tại Đức là 2,500–3,000 EUR, ở Nam Âu khoảng 1,000–1,500 EUR và ở Bulgaria vào khoảng 600 EUR. Dẫu chi phí lao động thấp mang lại lợi thế giá cả, chúng cũng đi kèm với giới hạn về năng lực sản xuất chất lượng cao. Việc chuyển dịch sản xuất từ Trung Quốc trở lại châu Âu hay Mỹ có thể dẫn đến sức mua giảm tại phương Tây, gia tăng lạm phát cơ cấu và kéo theo sự thu hẹp chính sách hỗ trợ từ các ngân hàng trung ương.
Trên thị trường tiền tệ, EUR/USD sáng nay được hỗ trợ nhẹ nhờ sự suy yếu của USD. Thoạt nhìn, mức thuế 30% áp lên hàng hóa EU có thể sẽ gây áp lực lên EUR, nhưng tâm lý hiện tại được chi phối bởi sự yếu đi của USD hơn là sức mạnh nội tại của EUR.
Ở các thị trường hàng hóa, giá vàng không còn phản ứng tích cực với những căng thẳng thương mại, trong khi bạc đang hồi phục nhờ sự giảm giá của USD, giao dịch quanh mức 39 USD/oz. Bitcoin tiếp tục đà tăng mạnh, vượt ngưỡng kỷ lục 120,000 USD vào sáng nay. Đồng tiền kỹ thuật số này hiện đang bước vào vùng quá mua, với khả năng điều chỉnh về 105,000–110,000 USD không thể loại trừ. Tuy nhiên, xu hướng dài hạn vẫn được củng cố bởi chính sách thân thiện hơn của Mỹ với tài sản kỹ thuật số cùng với sự phổ biến gia tăng tại các thị trường mới nổi.
Tuần này, tâm điểm thị trường sẽ xoay quanh các diễn biến thương mại và báo cáo lợi nhuận quý II của các doanh nghiệp lớn, bao gồm các ngân hàng hàng đầu của Mỹ và Netflix. Bên cạnh đó, dữ liệu lạm phát từ Mỹ và Anh sẽ cung cấp thêm manh mối về cách các chính sách thuế quan và tài khóa đang tác động tới giá cả tiêu dùng. Tất cả cho thấy đây sẽ là một tuần giao dịch đầy biến động và nhiều thông tin quan trọng.
Swissquote Bank SA