Swissquote Bank: Kịch bản Fed cắt giảm lãi suất "tan biến" - Thị trường chip AI ăn mừng, ngành ngân hàng phân hóa

Diệu Linh
Junior Editor
QUna điểm từ bộ phận phân tích của Swissquote Bank.

Lạm phát Mỹ: Trái chiều và nhiều ẩn số
Dữ liệu lạm phát công bố ngày hôm qua tại Mỹ cho thấy bức tranh khá phân hóa. Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tổng thể tăng 0.3% so với tháng trước, đúng với dự báo, đưa tỷ lệ lạm phát hàng năm tăng lên 2,7% từ mức 2,4% trong tháng trước. Tuy nhiên, lạm phát lõi, chỉ số được Cục Dự trữ Liên bang (Fed) coi trọng nhất khi quyết định chính sách, lại thấp hơn kỳ vọng, giúp tâm lý thị trường khởi sắc phần nào.
Dù vậy, tâm lý tích cực này không duy trì được lâu. Những dấu hiệu ban đầu của lạm phát do thuế quan đã xuất hiện khi một số doanh nghiệp bắt đầu chuyển chi phí tăng cao sang người tiêu dùng. Bloomberg chỉ ra rằng giá các mặt hàng gia dụng tăng mạnh nhất trong vòng 5 tháng, trong khi giá đồ chơi, nội thất và thiết bị thể thao ghi nhận mức tăng nhanh nhất kể từ các năm 2021 và 2022.
Hệ quả là, thị trường tiếp nhận báo cáo CPI không mấy suôn sẻ. Lợi suất trái phiếu chính phủ Mỹ tăng trên toàn bộ đường cong: lợi suất trái phiếu chính phủ kỳ hạn 2 năm, vốn nhạy cảm với kỳ vọng chính sách của Fed, tăng lên 3.95%; lợi suất trái phiếu kỳ hạn10 năm chạm 4.50% và lợi suất trái phiếu kỳ hạn 30 năm leo lên mức 5.00%.
Tại Nhật Bản, lợi suất trái phiếu chính phủ (JGB) tiếp tục xu hướng tăng nhẹ. Sáng nay, lợi suất JGB kỳ hạn 10 năm lần đầu tiên kể từ năm 2008 đạt 1.60%, trong bối cảnh thị trường lo ngại về khả năng chi tiêu ngân sách mất kiểm soát. Nếu Đảng Dân chủ Tự do (LDP) giành chiến thắng tại cuộc bầu cử Thượng viện vào cuối tuần này, lo ngại về mở rộng chi tiêu có thể tiếp tục gia tăng. Dù lợi suất tăng, JPY vẫn chịu áp lực, với tỷ giá USDJPY tiến gần mốc nhạy cảm 150.
Kịch bản cắt giảm lãi suất đang mờ dần
Nỗi lo lạm phát do thuế quan cộng hưởng với sức mạnh bền vững của thị trường lao động đang làm lu mờ kỳ vọng về việc Fed cắt giảm lãi suất. Hiện tại, giới đầu tư gần như không còn kỳ vọng Fed sẽ hạ lãi suất tại cuộc họp cuối tháng này, thậm chí khả năng giảm lãi suất vào tháng 9 cũng đang suy yếu. Hợp đồng tương lai lãi suất Fed Fund chỉ định xác suất 54% cho khả năng hạ lãi suất vào tháng 9.
Nếu lạm phát tiếp tục tăng tốc trong khi dữ liệu lao động vẫn vững vàng, khả năng cao Fed sẽ giữ nguyên chính sách. Sự thay đổi kỳ vọng này đã hỗ trợ đồng USD phục hồi mạnh. Chỉ số USD Index đã vượt mốc 98.50 ngày hôm qua. Các vị thế bán USD có vẻ đang bị ép ngược, tạo điều kiện cho đà phục hồi tiếp diễn. Nếu xu hướng này kéo dài, USDJPY có thể phá ngưỡng 150 (nhất là nếu bầu cử Nhật củng cố sức mạnh chính trị), EURUSD có thể giảm về vùng 1.12–1.15 và GBPUSD có thể quay về mức 1.3150–1.32. Tuy nhiên, đồng USD vẫn trong xu hướng giảm trung hạn và đợt phục hồi hiện tại nhiều khả năng chỉ là điều chỉnh kỹ thuật chứ chưa phải đảo chiều xu hướng.
Thị trường chip AI bùng nổ, hiệu suất ngành ngân hàng phân hóa
Nvidia tăng mạnh 4% trong phiên thứ Ba sau thông tin Nhà Trắng dự kiến cấp phép xuất khẩu dòng chip H20 sang Trung Quốc – bước điều chỉnh chính sách đáng chú ý sau khi lệnh cấm trước đó khiến hãng mất khoảng 10 tỷ USD doanh thu dự kiến. AMD cũng hưởng lợi, tăng 6.4%.
Sáng nay, ASML công bố kết quả kinh doanh quý II vượt kỳ vọng, với lượng đơn đặt hàng tăng vọt nhờ nhu cầu chip AI. Công ty dự báo doanh thu cả năm sẽ tăng khoảng 15% so với năm ngoái. Đây là tín hiệu tích cực giúp cổ phiếu ASML phục hồi sau khi mất gần 50% giá trị từ tháng 7 năm ngoái tới tháng 4 năm nay tại Amsterdam.
Tuy nhiên, cần lưu ý rủi ro mới: Donald Trump vừa phát tín hiệu có thể áp thuế đối với dược phẩm ngay trong tháng này và thuế đối với chất bán dẫn có thể tiếp bước không lâu sau đó, có khả năng tạo áp lực lên cổ phiếu ngành chip.
Ở mảng tài chính, báo cáo kết quả kinh doanh quý II từ các ngân hàng lớn của Mỹ khởi đầu khá tích cực. JPMorgan, Citi và Wells Fargo đồng loạt đưa ra đánh giá lạc quan, nhấn mạnh sức bền của người tiêu dùng và doanh nghiệp cùng với thị trường lao động ổn định bất chấp lạm phát tăng. Giới đầu tư cũng kỳ vọng việc nới lỏng quy định tài chính sẽ giúp giải phóng thêm vốn cho các ngân hàng.
Tuy vậy, phản ứng thị trường lại phân hóa. Wells Fargo giảm hơn 5% sau khi hạ dự báo thu nhập lãi ròng. JPMorgan giảm 0.74% dù mảng ngân hàng đầu tư khả quan. Ngược lại, Citi tăng mạnh hơn 3.5%, lập đỉnh mới kể từ năm 2008, nhờ thông báo chương trình mua lại cổ phiếu mới. Với kết quả như vậy, khả năng cao cổ phiếu tài chính trên S&P 500 sẽ có xu hướng đi ngang hoặc củng cố, sau khi đã tăng 24% kể từ đáy hồi tháng 4.
Dầu điều chỉnh, uranium tăng tốc
Dầu thô Mỹ thử thách ngưỡng kháng cự DMA 200, bất chấp thông tin Saudi Arabia đã vượt hạn ngạch xuất khẩu trong tháng trước, động thái được cho là nhằm nhanh chóng đẩy dầu ra khỏi Vùng Vịnh trước khi căng thẳng giữa Israel và Iran leo thang. Tuy nhiên, dữ liệu API mới công bố cho thấy tồn kho dầu thô Mỹ tăng vọt 19 triệu thùng, khiến lực mua dầu suy yếu và kéo giá dầu WTI giảm gần 3%.
Đồng USD mạnh hơn cũng gây áp lực lên giá dầu, cộng hưởng với việc căng thẳng địa chính trị tại Trung Đông đang phần nào hạ nhiệt (ít nhất trên các dòng tít). Giá dầu nhiều khả năng sẽ dao động quanh vùng $65-68/thùng, gần đường DMA 200, cho tới khi có các tín hiệu xu hướng rõ ràng hơn.
Ở chiều ngược lại, quỹ ETF Uranium Global X đã lập đỉnh cao nhất kể từ năm 2013. Xu hướng này phản ánh nhu cầu gia tăng với cơ sở hạ tầng năng lượng, đặc biệt để cung cấp điện cho các trung tâm dữ liệu khổng lồ vận hành AI, nhiều trung tâm hiện đã lớn ngang một thành phố nhỏ ở Mỹ. Trong bối cảnh đó, cổ phiếu ngành năng lượng và an ninh mạng tiếp tục được xem là những khoản đầu tư hấp dẫn, bên cạnh nhóm cổ phiếu AI dẫn đầu như Nvidia.
Swissquote Bank SA