Lợi suất trái phiếu chính phủ Mỹ phục hồi, đồng USD chịu áp lực trước lo ngại tăng trưởng

Lợi suất trái phiếu chính phủ Mỹ phục hồi, đồng USD chịu áp lực trước lo ngại tăng trưởng

Huyền Trần

Huyền Trần

Junior Analyst

15:44 26/02/2025

Lợi suất trái phiếu chính phủ Mỹ phục hồi nhờ kế hoạch cắt giảm thuế, nhưng đồng USD suy yếu do lo ngại tăng trưởng. Thị trường dõi theo báo cáo lợi nhuận của Nvidia để đánh giá liệu cơn sốt AI có tiếp tục duy trì.

Lợi suất trái phiếu chính phủ Mỹ phục hồi vào thứ Tư sau khi Hạ viện thông qua kế hoạch cắt giảm thuế của Tổng thống Donald Trump, trong khi đồng USD và giá dầu chịu áp lực do lo ngại về triển vọng tăng trưởng kinh tế.

Hợp đồng tương lai chứng khoán Mỹ tăng mạnh sau phiên giao dịch đầy biến động trên Phố Wall, với Nasdaq tăng 0.6% và S&P 500 tăng 0.4%. Tại châu Âu, EUROSTOXX 50 tăng nhẹ lên 0.66%, FTSE tăng 0.7% và DAX dẫn đầu với mức tăng 0.84%.

Giá đồng tại Mỹ tăng cao hơn 4%, trái ngược với xu hướng giảm tại các thị trường khác sau khi Trump ra lệnh điều tra khả năng áp thuế mới lên mặt hàng này.

Hạ viện Mỹ, do Đảng Cộng hòa kiểm soát, đã thông qua kế hoạch cắt giảm thuế trị giá 4.5 nghìn tỷ USD của Trump vào tối thứ Ba với tỷ lệ sít sao, mở đường để dự thảo ngân sách được trình lên Thượng viện. Các nhà đầu tư dự báo kế hoạch này sẽ dẫn đến việc phát hành thêm trái phiếu, khiến lợi suất trái phiếu chính phủ Mỹ đồng loạt tăng. Lợi suất trái phiếu chính phủ Mỹ kỳ hạn 10 năm tăng lên 4.3289%, trong khi lợi suất trái phiếu chính phủ Mỹ kỳ hạn 2 năm tăng lên 4.1271%.

“Diễn biến này xảy ra nhanh hơn dự đoán, khiến thị trường có phần bất ngờ,” Tony Sycamore, nhà phân tích tại IG, nhận định.

Trước đó, lợi suất trái phiếu chính phủ Mỹ rơi xuống mức thấp nhất trong nhiều tháng khi các nhà giao dịch gia tăng kỳ vọng về việc Cục Dự trữ Liên bang (Fed) sẽ cắt giảm lãi suất do lo ngại triển vọng kinh tế Mỹ suy yếu.

Dữ liệu công bố hôm thứ Ba cho thấy niềm tin tiêu dùng Mỹ giảm mạnh nhất trong vòng ba năm rưỡi vào tháng Hai, tiếp nối hàng loạt khảo sát gần đây phản ánh sự bất an gia tăng của doanh nghiệp và người dân trước các chính sách của chính quyền Trump.

"Chúng tôi không bất ngờ khi niềm tin tiêu dùng suy giảm. Điều đáng chú ý là điều này xảy ra ngay cả trước khi người tiêu dùng cảm nhận rõ tác động của thuế quan," Joseph Capurso, trưởng bộ phận kinh tế quốc tế và bền vững tại Commonwealth Bank of Australia (CBA), nhận định.

Kỳ vọng cắt giảm lãi suất của Fed tiếp tục gia tăng, với hợp đồng tương lai hiện phản ánh khả năng giảm lãi suất hơn 50 bps trong năm nay, cao hơn mức dự đoán 40 bps của tuần trước.

Diễn biến này gây áp lực lên đồng USD, đặc biệt so với đồng yen. Trong phiên trước, tỷ giá USD/JPY giảm xuống mức thấp nhất trong hơn bốn tháng trước khi phục hồi 0.27% lên 149.42 nhờ lợi suất trái phiếu chính phủ Mỹ tăng trở lại.

Ở các thị trường khác, tỷ giá EUR/USD giảm 0.21% xuống còn 1.0491, nhưng vẫn gần mức cao nhất trong một tháng. Bảng Anh cũng duy trì gần đỉnh hai tháng, tỷ giá GBP/USD giao dịch ở mức 1.2637.

"Đồng USD đang suy yếu do dữ liệu kinh tế kém khả quan, nhưng nếu tình hình xấu đi đến một mức nhất định, dòng tiền trú ẩn an toàn có thể quay lại USD," Capurso nhận xét. "Nếu thị trường bắt đầu định giá nguy cơ suy thoái, đồng USD chắc chắn sẽ tăng trở lại."

Những lo ngại về đà chững lại của kinh tế Mỹ cũng phủ bóng lên triển vọng nhu cầu dầu mỏ.

Giá dầu Brent tăng nhẹ 0.25% lên 73.20 USD/thùng sau khi giảm hơn 2% trong phiên trước. Dầu WTI cũng tăng 0.23% lên 69.09 USD/thùng, lấy lại một phần mức giảm 2.5% của phiên trước đó.

Giá vàng gần như đi ngang, ổn định ở mức 2,915.09 USD/ounce.

Chờ đợi báo cáo lợi nhuận của Nvidia: Phép thử cho cơn sốt AI

Nvidia – cái tên tiêu biểu của làn sóng AI, sẽ công bố báo cáo lợi nhuận quý vào cuối ngày thứ Tư. Kết quả này không chỉ phản ánh sức khỏe tài chính của công ty mà còn là thước đo quan trọng để đánh giá liệu cơn sốt AI có tiếp tục duy trì hay không.

Giới đầu tư ngày càng hoài nghi về dòng vốn khổng lồ mà các công ty công nghệ Mỹ rót vào hạ tầng AI khi lợi nhuận chưa đạt kỳ vọng, trong khi Trung Quốc lại ghi nhận đột phá từ DeepSeek.

"Bất kỳ dấu hiệu suy yếu nào trong báo cáo của Nvidia có thể tác động mạnh đến tâm lý thị trường đối với cổ phiếu AI," Jacob Falkencrone, trưởng chiến lược đầu tư toàn cầu tại Saxo, nhận định. "Báo cáo này không chỉ là câu chuyện của Nvidia mà còn là bài kiểm tra xem liệu cuộc cách mạng AI có thể duy trì tốc độ phát triển như hiện tại hay không."

Tại châu Á, chỉ số MSCI khu vực châu Á - Thái Bình Dương (ngoại trừ Nhật Bản) tăng 1.14%, nhờ đà phục hồi mạnh của thị trường Trung Quốc. Trong khi đó, chỉ số Nikkei của Nhật Bản giảm 0.4%.

Tại Hồng Kông, chỉ số Hang Seng tăng hơn 3%, còn Hang Seng Tech nhảy vọt 4.75%. CSI300, chỉ số đại diện cho nhóm cổ phiếu blue-chip Trung Quốc tăng nhẹ 0.6%, trong khi Shanghai Composite tăng 0.74%.

Cổ phiếu Trung Quốc đã tăng mạnh trong vài tuần qua nhờ đột phá AI của DeepSeek, làm sống lại niềm tin vào năng lực công nghệ của nước này. Tuy nhiên, đà tăng chững lại sau thông tin chính quyền Trump có kế hoạch siết chặt kiểm soát xuất khẩu chip sang Trung Quốc, cùng với việc Tổng thống Mỹ ký bản ghi nhớ yêu cầu Ủy ban Đầu tư Nước ngoài tại Mỹ (CFIUS) hạn chế đầu tư từ Trung Quốc vào các lĩnh vực chiến lược.

"Xem nhẹ các mối đe dọa thuế quan từ Mỹ như một công cụ mặc cả là hết sức chủ quan," Vishnu Varathan, trưởng bộ phận nghiên cứu vĩ mô khu vực châu Á (trừ Nhật Bản) tại Mizuho, cảnh báo. "Nhất là với Trung Quốc, Mỹ đang chủ đích gây tổn hại đến lợi thế công nghệ và năng lực sản xuất của nước này."

Reuters

Broker listing

Thư mục bài viết

Cùng chuyên mục

Nợ công tăng cao, nhà đầu tư trái phiếu toàn cầu bắt đầu rút lui
Nguyễn Tuấn Đạt

Nguyễn Tuấn Đạt

Junior Analyst

Nợ công tăng cao, nhà đầu tư trái phiếu toàn cầu bắt đầu rút lui

Thị trường trái phiếu toàn cầu đang rơi vào trạng thái căng thẳng khi các nhà đầu tư không còn kiên nhẫn với việc chính phủ các nước liên tục vay nợ. Lợi suất trái phiếu tăng mạnh, đánh dấu sự thay đổi lớn trong cách các nhà đầu tư đánh giá rủi ro và đòi hỏi mức lợi nhuận cao hơn. Trong bối cảnh này, các chính phủ từ Mỹ, Anh đến Nhật Bản đều đang phải điều chỉnh chiến lược để tránh những biến động ảnh hưởng sâu rộng tới thị trường tài chính.
Sự gia tăng lợi suất trái phiếu dài hạn của Nhật Bản đang lan tỏa khắp toàn cầu
Nguyễn Tuấn Đạt

Nguyễn Tuấn Đạt

Junior Analyst

Sự gia tăng lợi suất trái phiếu dài hạn của Nhật Bản đang lan tỏa khắp toàn cầu

Sự tăng mạnh lợi suất trái phiếu chính phủ dài hạn tại Nhật Bản đang tạo ra những tác động lan tỏa không chỉ trong nước mà còn ảnh hưởng đến thị trường tài chính toàn cầu. Là nền kinh tế lớn với thị trường trái phiếu khổng lồ và nợ công cao nhất thế giới, biến động ở Nhật không chỉ đơn thuần là câu chuyện nội bộ mà còn có thể khiến chi phí vay mượn của nhiều quốc gia khác tăng theo, đặt ra những thách thức lớn cho các nhà đầu tư và chính phủ toàn cầu.
Tại sao nhà đầu tư lo ngại về thị trường trái phiếu Nhật Bản?
Nguyễn Tuấn Đạt

Nguyễn Tuấn Đạt

Junior Analyst

Tại sao nhà đầu tư lo ngại về thị trường trái phiếu Nhật Bản?

Những lo ngại về trái phiếu toàn cầu đang lan sang Nhật Bản, một góc của thị trường mà trong nhiều thập kỷ hầu như không có bất kỳ biến động nào – và điều này đang khiến các nhà đầu tư vốn đã hoảng sợ trước những căng thẳng trên thị trường Trái phiếu Kho bạc Mỹ càng thêm lo lắng.
Chủ tịch Fed New York cảnh báo cần hành động sớm nếu lạm phát lệch mục tiêu
Huyền Trần

Huyền Trần

Junior Analyst

Chủ tịch Fed New York cảnh báo cần hành động sớm nếu lạm phát lệch mục tiêu

Chủ tịch Fed New York John Williams kêu gọi các ngân hàng trung ương phản ứng kịp thời để ngăn lạm phát trở nên dai dẳng, nhấn mạnh rủi ro từ kỳ vọng thị trường bị sai lệch. Ông cũng chỉ ra rằng sự bất ổn từ chính sách thương mại và thuế quan đang làm gia tăng thách thức trong điều hành chính sách tiền tệ.