KBC Bank: Trump tiếp tục thúc giục Powell cắt giảm lãi suất - Căng thẳng Nhà Trắng - Fed lên cao trào

Diệu Linh
Junior Editor
Quan điểm từ bộ phận phân tích của KBC Bank.

Thị trường
Đồng USD đã khép lại nửa đầu năm 2025 với hiệu suất tệ nhất kể từ năm 1973 tính theo mức giảm từ đầu năm đến nay, đồng thời chạm đáy mới trong nhiều năm. Chỉ số giá trị thương mại (trade-weighted index) đóng cửa ở mức 96.88 – thấp nhất kể từ tháng 2 năm 2022. EUR/USD tăng phiên thứ tám liên tiếp, hiện đang kiểm tra ngưỡng trên của kênh xu hướng tăng, quanh mốc quan trọng 1.18. Dù biểu đồ kỹ thuật của USD/JPY trông không quá tiêu cực, cặp tỷ giá này cũng đã suy yếu về 144.03 trong phiên hôm qua. Bảng Anh (GBP) cũng không mấy khá khẩm – EUR/GBP vọt lên 0.858 – nhưng vẫn tốt hơn đồng USD, khi cặp GBP/USD đã quay lại vùng đỉnh gần đây trên mốc 1.37.
Không có một yếu tố cụ thể nào kích hoạt đợt suy yếu đồng USD hôm qua; đó là hệ quả cộng gộp từ tình trạng bất ổn chính sách tại Mỹ, lộ trình tài khóa thiếu bền vững và kỳ vọng về khả năng Fed cắt giảm lãi suất mạnh tay vào cuối năm nay.
Xét riêng từng yếu tố:
Về thương mại, đã có những tín hiệu tích cực. Bloomberg cho biết hôm qua EU sẵn sàng chấp nhận mức thuế nhập khẩu phổ quát 10% nếu được miễn trừ cho các lĩnh vực chủ chốt như dược phẩm và chip bán dẫn. Dù còn nhiều chi tiết phải đàm phán, chỉ riêng khuôn khổ thỏa thuận này đã đủ củng cố đồng euro.
Ngược lại với Nhật Bản, Tổng thống Trump lại công khai chỉ trích nước này và đe dọa sẽ gửi thư áp đặt thuế nhập khẩu đơn phương.
Về tài khóa, Thượng viện Mỹ hiện đang tiến hành bỏ phiếu hàng chục điều chỉnh đối với dự luật BBB (Big Beautiful Bill) trị giá 3.3 nghìn tỷ USD có khả năng làm tăng mạnh thâm hụt. Cuộc bỏ phiếu cuối cùng dự kiến diễn ra vào chiều nay.
Về chính sách tiền tệ, kỳ vọng Fed cắt giảm lãi suất đang đè nặng lên đồng USD. Kể từ khi Chủ tịch Powell phát ngôn dovish trước Quốc hội tuần trước, thị trường đang “soi” kỹ mọi dữ liệu kinh tế để tìm dấu hiệu yếu kém. Tuần này, các số liệu như chỉ số PMI sản xuất ISM và JOLTS sẽ là trọng tâm. Những yếu tố này khiến đồng USD và lợi suất trái phiếu chính phủ Mỹ chịu nhiều rủi ro sụt giảm sâu hơn. Hôm qua, lợi suất giảm thêm 2.8 – 6.1 bps theo mô hình “bull flattener” (lợi suất ngắn hạn giảm mạnh hơn dài hạn). Tuy nhiên, chúng tôi vẫn thận trọng với lợi suất trái phiếu chính phủ kỳ hạn dài khi dự luật tài khóa siêu lớn sắp được thông qua – tương tự như điều đã diễn ra ở châu Âu sau tuyên bố “cứu trợ bằng mọi giá” của ông Merz hồi tháng 3 khi lợi suất trái phiếu chính phủ kỳ hạn 30 năm của Đức tăng thêm 3 bps trong phiên hôm qua.
Trong khi đó, Tổng thống Trump đã gửi thư cho Chủ tịch Fed Jerome Powell, liệt kê tất cả các quốc gia có lãi suất thấp hơn Mỹ và yêu cầu ông Powell giảm lãi suất. Trích nguyên văn: “Jerome – Ông, như thường lệ, lại Trễ. Ông đã khiến nước Mỹ thiệt hại hàng tỷ USD và vẫn đang tiếp tục như vậy. Ông nên giảm Lãi suất – thật nhiều! Chúng ta đang mất hàng trăm tỷ USD mà không có lạm phát đâu.”
Ông “Luôn Trễ” hôm nay tốt nhất nên đến đúng giờ, khi sự kiện đáng chú ý nhất tại hội nghị Sintra của ECB diễn ra: buổi tọa đàm với sự tham gia của bà Lagarde (ECB), ông Bailey (BoE), ông Ueda (BoJ) và chính ông Powell.
Tin tức và bình luận
Khảo sát niềm tin doanh nghiệp hàng quý (Tankan) của Ngân hàng Trung ương Nhật Bản (BoJ) cho thấy hoạt động kinh tế vẫn khá kiên cường bất chấp những bất ổn, đặc biệt là về thương mại. Chỉ số niềm tin sản xuất lớn tăng từ 12 (Q1) lên 13 (Q2). Chỉ số dịch vụ không sản xuất giảm nhẹ từ 35 xuống 34, nhưng cả hai đều vượt kỳ vọng thị trường. Doanh nghiệp trở nên thận trọng hơn với quý tới (chỉ số dự báo lần lượt là 12 và 27), nhưng các mức này vẫn cao hơn dự báo.
Doanh nghiệp lớn ở cả hai lĩnh vực kỳ vọng đầu tư vốn sẽ tăng 11.5% trong năm tài khóa 2025. Họ cũng kỳ vọng lạm phát CPI duy trì trên mục tiêu 2% trong cả ngắn và dài hạn (1 năm: 2.4%, 3 năm: 2.4%, 5 năm: 2.3%). Dù BoJ gần đây tỏ ra thận trọng hơn với thời điểm nới lỏng chính sách tiếp theo, khảo sát hôm nay cho thấy cuộc tranh luận về việc bình thường hóa chính sách sẽ tiếp tục, và thậm chí có thể trở nên rõ ràng hơn khi bất ổn thương mại giảm bớt vào cuối năm nay. Đồng JPY sáng nay tăng nhẹ, kéo USD/JPY xuống dưới mốc 144, hiện ở mức 143.65.
Tại Anh, theo số liệu giá cả từ Hiệp hội Bán lẻ BRC, giá tại các cửa hàng đã quay lại mức tăng dương trong tháng 6, từ -0.1% (cùng kỳ năm ngoái) lên 0.4% YoY – lần đầu tiên tăng trở lại kể từ tháng 7 năm ngoái. Nguyên nhân chủ yếu là giá thực phẩm tăng mạnh, 0.7% so với tháng trước (so với 0.4% trong tháng 5), kéo chỉ số YoY từ 2.8% lên 3.7%. Trong khi đó, giá các mặt hàng phi thực phẩm chỉ tăng nhẹ 0.1% MoM, vẫn giữ mức giảm YoY ở -1.2%.
BRC nhận định: “Chỉ ba tháng sau khi các chi phí trong ngân sách mùa Thu năm ngoái có hiệu lực, giá hàng hóa bán lẻ đã trở lại quỹ đạo lạm phát. Giá thực phẩm vẫn chưa cho thấy dấu hiệu chững lại, đặc biệt là các mặt hàng tươi sống như thịt, do giá bán buôn cao và chi phí lao động tăng.”
KBC Bank