KBC Bank: Thuế quan và chính sách - Thị trường đang cố gắng đối phó với nhiều tầng bất ổn

Diệu Linh
Junior Editor
Quan điểm từ bộ phận phân tích của KBC Bank.

Thị trường
Với việc thị trường Mỹ đóng cửa nghỉ lễ Quốc khánh và thiếu vắng dữ liệu kinh tế quan trọng, các thị trường châu Âu buộc phải duy trì thái độ thận trọng trước thềm cuối tuần. Sau khi Quốc hội Mỹ thông qua dự luật ngân sách ,trọng tâm của thị trường nhanh chóng chuyển sang hạn chót áp thuế mới vào ngày 9/7. Các nhà đầu tư hiện đang cân bằng giữa hy vọng và nghi ngờ. Trong bối cảnh không nhận được định hướng từ thị trường Mỹ, sự nghi ngờ đã chiếm ưu thế trong phiên giao dịch châu Âu. Chỉ số EuroStoxx50 giảm 1.02%. Trên thị trường trái phiếu, nhu cầu trú ẩn an toàn thể hiện nhẹ, lợi suất trái phiếu chính phủ Đức biến động nhẹ: không thay đổi ở phân khúc kỳ hạn 30 năm và giảm 1.8 bps ở phân khúc kỳ hạn 2 năm. Ông Villeroy của ECB một lần nữa cảnh báo về nguy cơ lạm phát thấp hơn mục tiêu. Tuy nhiên, thị trường hiện hiểu rằng trong bối cảnh tầm nhìn về thương mại và tăng trưởng toàn cầu còn hạn chế, chưa có lý do đủ mạnh để thúc đẩy ECB nới lỏng thêm vượt quá mức đáy chu kỳ 1.75% đã được thị trường định giá cho thời điểm cuối năm. Trên thị trường ngoại hối, đồng USD (chỉ số DXY) nhích nhẹ lên 97.2, tiếp tục quá trình tạo đáy sau báo cáo việc làm khả quan hơn dự kiến công bố hôm thứ Năm. Dù vậy, EUR/USD vẫn đóng cửa cao hơn một chút ở mức 1.1778.
Thị trường mở cửa đầu tuần trong trạng thái cố gắng định hình giữa nhiều lớp bất ổn mới, khi Mỹ bước vào giai đoạn tiếp theo của việc áp thuế thương mại. Tổng thống Trump đã gửi thư đến khoảng 12 quốc gia (hoặc có thể nhiều hơn), thông báo rằng họ sẽ phải đối mặt với mức thuế cao hơn. Tuy nhiên, Bộ trưởng Tài chính Mỹ Bessent cho biết các mức thuế này sẽ có hiệu lực từ ngày 1/8, tạo khoảng trống để các đối tác thương mại có thể nhượng bộ trong đàm phán. Đồng thời, Mỹ vẫn có kế hoạch công bố một số thỏa thuận thương mại mang tính khung đã hoàn tất. Tình hình này trước mắt khiến thị trường phải đối mặt với nhiều câu hỏi chưa có lời đáp: Liệu ngày 1/8 có trở thành một hạn chót không chính thức? Những quốc gia nào sẽ bị áp thuế cao hơn? Mức thuế mới có thể còn vượt qua mức đỉnh công bố ngày 2/4 hay không?
Sáng nay, Tổng thống Trump còn bổ sung một tầng bất ổn mới khi đe dọa áp thuế bổ sung 10% đối với các quốc gia "liên kết với chính sách chống Mỹ của BRICS". Tuy nhiên, ông không nói rõ “liên kết” ở đây bao hàm điều gì. Do đó, có thể dự báo rằng trong vài giờ hoặc vài ngày tới, thị trường sẽ chứng kiến nhiều "tình tiết bất ngờ" khó lường trước.
Thị trường mở đầu tuần trong trạng thái lưỡng lự giữa “tê liệt” và “thận trọng bán tháo tài sản rủi ro”. Hầu hết chỉ số chứng khoán châu Á sáng nay đều giảm nhẹ dưới 1%, hợp đồng tương lai chỉ số chứng khoán Mỹ cũng đang giảm điểm. Trái phiếu chính phủ Mỹ tăng giá với lợi suất trái phiếu ngắn hạn giảm khoảng 2.5 bps. Mặc dù báo cáo việc làm tuần trước khá tích cực, thị trường vẫn đang đánh giá khả năng Fed có thể nối lại chu kỳ cắt giảm lãi suất nếu dữ liệu kinh tế Mỹ yếu đi trong những tháng tới. Đồng USD tăng nhẹ. Các đồng tiền của các quốc gia nằm trong danh sách áp thuế mới có thể dễ bị tổn thương trong giai đoạn đầu. Tuy nhiên, xét từ kinh nghiệm sau sự kiện ngày 2/4, có thể thấy một đợt phục hồi mạnh mẽ trên diện rộng của đồng USD sẽ khó xảy ra trong bối cảnh nước Mỹ thúc đẩy chủ nghĩa bảo hộ thương mại.
Ngoài yếu tố thương mại, lịch kinh tế tuần này không có nhiều dữ liệu quan trọng từ Mỹ. Ngân hàng Dự trữ Úc (RBA) sẽ họp chính sách vào thứ Ba và Ngân hàng Dự trữ New Zealand (RBNZ) vào thứ Tư. Sau khi “dự luật to đẹp” được thông qua, thị trường cũng sẽ chú ý tới loạt đấu giá trái phiếu chính phủ Mỹ diễn ra trong tuần (trái phiếu 3 năm vào thứ Ba, 10 năm vào thứ Tư và 30 năm vào thứ Năm).
Tin tức và nhận định
Ả Rập Xê Út sẽ tăng giá bán dầu Arab Light dành cho khách hàng châu Á trong tháng 8 mạnh hơn so với dự kiến. Giá bán sẽ cao hơn 2.2 USD/thùng so với mức chuẩn khu vực Oman/Dubai. Động thái này phản ánh niềm tin của Riyadh rằng thị trường dầu mỏ đủ mạnh để hấp thụ lượng cung bổ sung từ nhóm OPEC+ do Ả Rập Xê Út dẫn đầu. Cuối tuần qua, OPEC+ đã thống nhất sẽ tăng sản lượng thêm 548,000 thùng/ngày trong tháng tới – mức tăng cao hơn so với ba tháng trước đó (411,000 thùng/ngày). Giá dầu Brent mở cửa đầu tuần với khoảng trống giảm giá và hiện giao dịch quanh mức 67.9 USD/thùng.
Hãng xếp hạng tín nhiệm Moody’s nhận định cuộc bầu cử Thượng viện Nhật Bản ngày 20/7 tới sẽ có ý nghĩa quan trọng đối với sức khỏe tài khóa và xếp hạng tín dụng của nước này – đặc biệt nếu nó dẫn đến các đợt cắt giảm thuế mới. Cuộc bầu cử lần này mang tính sống còn với Thủ tướng Ishiba, sau khi đảng Dân chủ Tự do (LDP) cầm quyền và đối tác liên minh Komeito mất thế đa số ở Hạ viện trong cuộc bầu cử nhanh tháng 10 năm ngoái. Một số cam kết tranh cử hiện bao gồm việc phát tiền mặt hỗ trợ các hộ gia đình ứng phó với lạm phát. Tuy nhiên, cho đến nay chính phủ vẫn từ chối lời kêu gọi cắt giảm thuế từ các đảng đối lập. Moody’s cảnh báo rằng nếu các biện pháp này có quy mô lớn và kéo dài, chúng có thể gây áp lực tiêu cực đến xếp hạng A1 hiện tại của Nhật Bản (với triển vọng ổn định từ tháng 12/2014).
KBC Bank