Giá cả tăng, lương giảm: Người Nhật sẽ quay lưng với chính trị truyền thống?

Nguyễn Tuấn Đạt
Junior Analyst
Đồng yên mất giá đang không chỉ khiến đời sống người dân Nhật Bản thêm khó khăn mà còn làm thay đổi cả bức tranh chính trị của đất nước này. Khi lạm phát tăng, thu nhập giảm và du khách nước ngoài đổ xô tới tiêu xài, nhiều cử tri Nhật cảm thấy bị bỏ lại phía sau. Trong bối cảnh đó, những đảng phái cực hữu như Sanseito bắt đầu thu hút sự chú ý, với thông điệp bài ngoại, chống toàn cầu hóa và hứa hẹn "đưa người Nhật lên trước tiên".

“Người châu Âu nghỉ hè cả tháng, thế giới nghỉ Giáng sinh đến tận tháng Một, còn chúng ta thì làm việc cật lực — vậy mà kinh tế họ vẫn tăng trưởng, còn của ta thì không?”, Saya Ohgi chất vấn trong buổi vận động tranh cử giữa lòng Tokyo. Nữ ca sĩ nhạc jazz 43 tuổi không chỉ thu hút đám đông bằng những lời lẽ sôi sục mà còn chạm trúng nỗi bất mãn âm ỉ của nhiều người dân Nhật. Bài phát biểu “Người Nhật trước tiên” của cô, mang màu sắc bài ngoại, đầy cảm xúc và hơi hướng thuyết âm mưu, không đề cập trực tiếp đến tỷ giá đồng yên, nhưng lại phản ánh rõ rệt tâm lý mất phương hướng trong một nền kinh tế đang suy yếu và một xã hội dường như không còn phần thưởng cho sự chăm chỉ.
Dù không trực tiếp nhắc đến tỷ giá đồng yên trong bài phát biểu, chiến dịch tranh cử của Saya Ohgi – cũng như sự trỗi dậy của đảng cực hữu Sanseito – thực chất lại gắn chặt với tình trạng mất giá kéo dài của đồng nội tệ. Trong khi thông điệp dân túy, bài ngoại và đầy cảm xúc của cô dễ dàng lay động cử tri, thì nguyên nhân sâu xa của những khốn khó mà người dân đang trải qua lại bắt nguồn từ một đồng yên yếu ớt.
Ở mức 149.00, USD/JPY không còn đơn thuần là con số kỹ thuật, mà giống như một căn bệnh kinh niên khiến nền kinh tế mất sức, buộc người dân phải thay đổi lối sống. Chính cảm giác suy yếu đó, khi không được lý giải rõ ràng, đã bị bóp méo thành sự phẫn nộ — thứ nhiên liệu đang đẩy những lực lượng chính trị cực đoan tiến sâu hơn vào dòng chính trị Nhật Bản.
Các cuộc thăm dò cho thấy đảng Sanseito – vốn trước đây chỉ là một nhóm bên lề – có thể giành ít nhất 10 ghế. Đồng thời cũng dự báo rằng chính trường Nhật Bản đang tiến gần tới một bước ngoặt.
Sau gần bảy thập kỷ cầm quyền gần như không gián đoạn, đảng Dân chủ Tự do (LDP) của Nhật Bản đang cho thấy dấu hiệu kiệt sức rõ rệt. Việc mất thế đa số tại Hạ viện hồi tháng 10 và nguy cơ tiếp tục thất bại tại Thượng viện phản ánh làn sóng bất mãn ngày càng lớn trong cử tri, chủ yếu đến từ cách điều hành nền kinh tế và sự bảo thủ kéo dài. Dù LDP có thể duy trì quyền lực bằng các liên minh mở rộng, sự trỗi dậy của đảng cực hữu Sanseito đang hé lộ một sự thật rõ ràng hơn: những chuẩn mực từng được xem là bất biến của xã hội Nhật — từ lãi suất bằng 0, kiểm soát nhập cư đến tính đồng nhất văn hóa — đang dần rạn nứt. Trong khi mô hình cầm quyền truyền thống trở nên già nua và mất sức hút, chủ nghĩa dân túy đã len lỏi và tìm thấy mảnh đất màu mỡ để trỗi dậy, dẫn dắt một lớp cử tri mới khao khát thay đổi.
Lịch sử cho thấy các phong trào chính trị cấp tiến ở Nhật thường chỉ tồn tại ngắn ngủi. Giới quan sát cho rằng Sanseito rồi cũng sẽ sớm suy tàn, mang theo những luận điệu bài ngoại đáng lo ngại.
Nhưng lần này có thể sẽ khác. Trước đây, các phong trào chính trị cực đoan luôn thiếu một “hạt nhân” bất mãn đủ mạnh để kết tinh thành phong trào chính thống. Đồng yên yếu – cùng với những hệ quả và nguyên nhân dây chuyền của nó – có thể là chất xúc tác mà trước nay chưa từng có.
Việc USDJPY duy trì trên mức 140 đã gây ra hàng loạt hệ quả, trong đó có cảm giác đất nước đang bị “thu nhỏ” – khi thấy đồng nội tệ không còn là sức mạnh từng làm cả thế giới khiếp sợ. So sánh thu nhập trung bình giữa các nước phát triển khiến Nhật Bản trông thật thảm hại khi tính theo USD; còn việc tiền lương tại Nhật hiện thấp hơn cả những người thu nhập cao ở Thái Lan hay Indonesia là một cú sốc còn lớn hơn.
Hệ quả chính trị lớn nhất chính là lạm phát. Sau nhiều năm giảm phát, Nhật Bản đã có ba năm liên tục ghi nhận giá cả tăng – nhưng lại vì những lý do sai lầm: lạm phát chi phí đẩy do đồng yên yếu, trong khi đất nước này phải nhập khẩu phần lớn nguyên liệu, thực phẩm và năng lượng.
Gánh nặng đối với các hộ gia đình là rất thực. Hệ số Engel của Nhật – chỉ tiêu đo tỷ trọng chi tiêu cho thực phẩm trong tổng chi tiêu hộ gia đình – hiện ở mức cao nhất trong 43 năm. Tiền lương thực tế sau điều chỉnh lạm phát đã giảm tháng thứ năm liên tiếp vào tháng Năm. Tranh luận lớn nhất trong chiến dịch bầu cử – đề xuất giảm thuế tiêu dùng (VAT) – phản ánh rõ nỗi đau của người dân.
Trong khi người dân Nhật phải thắt lưng buộc bụng vì giá cả leo thang và thu nhập giảm sút, thế giới bên ngoài lại đang tận hưởng sự suy yếu của đồng yên như một món quà. Từ các thương vụ thâu tóm doanh nghiệp cho đến những bữa sushi giá rẻ và bất động sản tại các khu nghỉ dưỡng, Nhật Bản đang trở thành “thiên đường mua sắm” cho nhà đầu tư và du khách nước ngoài. Điều này càng khoét sâu cảm giác bị bỏ rơi trong chính đất nước mình của nhiều người Nhật, và là mảnh đất lý tưởng để các đảng dân túy như Sanseito gieo rắc luận điệu bài ngoại.
Bằng cách đánh đồng dòng khách du lịch ngắn hạn với làn sóng nhập cư dài hạn, họ tạo ra hình ảnh một “cuộc xâm lược” của người nước ngoài đang trục lợi từ sự suy yếu của Nhật Bản. Dù phong trào này có thể sớm suy giảm, những nguyên nhân sâu xa – từ đồng yên yếu cho đến cảm giác mất kiểm soát – sẽ còn tiếp tục ám ảnh chính trị và xã hội Nhật Bản trong thời gian tới.
Financial Times