Vì sao Kamala Harris nên tránh xa chủ đề kinh tế?

Vì sao Kamala Harris nên tránh xa chủ đề kinh tế?

Quỳnh Chi

Quỳnh Chi

Junior Editor

09:41 08/08/2024

Một số điều hiện nay đã rõ như ban ngày, trong đó có việc Kamala Harris là ứng cử viên tổng thống tiềm năng của Đảng Dân chủ vượt trội hơn Joe Biden. Tuy nhiên, cuộc đua vào Nhà Trắng vẫn còn rất gay cấn. Những vấn đề khác như thành tích kinh tế của chính quyền Biden lại quá phức tạp, khó phù hợp với một chiến dịch tranh cử tổng thống khốc liệt. Vì vậy, Harris nên cân nhắc kỹ trước khi đặt kinh tế vào trọng tâm chiến dịch của mình.

Không phải thành tích kinh tế của chính quyền Biden kém, mà là phức tạp. Trước hết, công chúng vẫn chưa thực sự bị thuyết phục bởi sức mạnh kinh tế Mỹ. Chỉ số niềm tin người tiêu dùng lâu đời của Đại học Michigan cho thấy, ngay cả cử tri Đảng Dân chủ cũng chỉ báo cáo mức độ tin tưởng hơn trung bình một chút, trong khi giai đoạn lạm phát cao đã đẩy chỉ số này xuống thấp hơn nhiều so với mức bình thường đối với cử tri độc lập và Đảng Cộng hòa.

Niềm tin người tiêu dùng Mỹ bị ảnh hưởng mạnh bởi quan điểm chính trị và lạm phát cao

Một số người có thể cho rằng niềm tin chỉ là cảm nhận chủ quan và một cuộc bầu cử cần phải dựa trên sự thật khách quan, không phải cảm xúc. Tuy nhiên, ngay cả khi đứng trên góc độ này, câu trả lời vẫn không hề đơn giản. Đặc biệt khi cuộc bầu cử 2020 diễn ra giữa tâm bão đại dịch, và 2024 không giống với năm 1984 - thời điểm kinh tế Mỹ bùng nổ mạnh mẽ, hay năm 1992 - khi Bill Clinton liên tục nhấn mạnh thông điệp "chính là kinh tế, đồ ngốc" để chỉ ra rằng mọi thứ đang không ổn.

Một số chỉ số kinh tế quan trọng đã có sự cải thiện đáng kể. GDP thực tế và mức tiêu dùng cá nhân ở Mỹ đã quay trở lại xu hướng trước đại dịch Covid-19, minh chứng cho việc nền kinh tế Mỹ đã phục hồi từ cuộc suy thoái 2020 mà không để lại hậu quả lâu dài. Điều này không thể nói về các nền kinh tế khu vực Eurozone, Anh hay Nhật Bản, nơi tổn thất vĩnh viễn gần như đã được chấp nhận như một thực tế không thể thay đổi. Tuy nhiên, vấn đề đối với Đảng Dân chủ là những bằng chứng mang tính quốc tế này có thể thuyết phục ở châu Âu và Nhật Bản, nhưng hiếm khi gây được tiếng vang trong nước Mỹ.

Tiêu dùng hộ gia đình ở châu Âu đình trệ kể từ đại dịch, trái ngược với Mỹ.

Trong bối cảnh kinh tế nội địa Mỹ, không thể phủ nhận rằng thị trường việc làm đã hoạt động hết sức mạnh mẽ trong 3 năm qua. Trong giai đoạn đỉnh điểm của đại dịch, nhiều người lo ngại rằng tỷ lệ việc làm sẽ không thể phục hồi hoàn toàn, nhưng giờ đây những lo ngại đó có thể được gạt bỏ khi tỷ lệ việc làm trên dân số vào tháng 7 thậm chí còn cao hơn so với thời điểm trước đại dịch. Tuy nhiên, vấn đề đối với Harris là dù việc làm có dồi dào đến đâu, kết quả này vẫn không vượt trội hơn so với thành tích mà chính quyền Trump đã đạt được.

Chiến dịch tranh cử của Harris không nên quá lo lắng về việc tỷ lệ thất nghiệp gần đây tăng lên 4.3% vào tháng 7, từ mức thấp kỷ lục 3.4% hồi tháng 4/2023. Đây chỉ là sự biến động quanh mức thấp lịch sử và các chỉ số khác vẫn cho thấy thị trường lao động duy trì sức mạnh, dù có thể không còn quá chặt chẽ như trước. Thực tế, đây chính xác là điều mà Fed mong muốn khi họ tìm cách làm dịu nền kinh tế từ năm 2022.

Điều mà Harris nên lo ngại hơn cả là làm thế nào để trả lời một câu hỏi có lẽ là khó khăn nhất trong các cuộc bầu cử gần đây. Ngay trước ngày bỏ phiếu năm 1980, Ronald Reagan đã đặt ra câu hỏi: "Hôm nay, cuộc sống của bạn có tốt đẹp hơn so với 4 năm trước không?". Khi đó, câu trả lời của đại đa số người Mỹ là "không" và hậu quả là Đảng Dân chủ đã phải trả giá đắt cho câu trả lời này.

Đối với Harris, cùng câu hỏi đó lại có câu trả lời phức tạp. Nghiên cứu gần đây của David Autor, Arindrajit Dube và Annie McGrew cho thấy thị trường lao động chặt chẽ kể từ đại dịch đã tạo ra lợi ích đáng kể cho người lao động có mức lương thấp nhất, đảo ngược một phần tư xu hướng bất bình đẳng tiền lương gia tăng trong bốn thập kỷ qua ở Mỹ. Đáng chú ý, mức lương tăng cho những người không có bằng đại học so với người tốt nghiệp đại học diễn ra trên khắp các bang của Mỹ, bất kể họ có áp dụng mức lương tối thiểu cao hay không.

Những người thu nhập thấp ở Mỹ đã có mức lương thực tế cao hơn đáng kể trong thập kỳ qua

Nếu có điều gì có thể chứng minh rõ ràng rằng chính quyền Biden đang đứng về phía người lao động bình dân, thì chính là kết quả này. Tuy nhiên, vấn đề nằm ở chỗ xu hướng tương tự cũng đã xuất hiện dưới thời chính quyền Trump ở một số vùng của Mỹ, và trên phạm vi toàn quốc, tốc độ tăng trưởng lương thực tế thậm chí còn cao hơn.

“Gót chân Achilles” của chính quyền Biden trong toàn bộ câu chuyện này chính là lạm phát. Mặc dù tỷ lệ tăng giá hàng năm gần như đã trở về mục tiêu 2%, nhưng ký ức về giai đoạn lạm phát cao vẫn chưa phai nhạt trong tâm trí người dân. Đối với nhiều người có thu nhập trung bình và trên trung bình, giá cả leo thang nhanh chóng đã làm suy giảm đáng kể mức lương thực tế, và chỉ có những người thuộc nhóm lương thấp nhất mới có thể trả lời khẳng định cho câu hỏi của Reagan một cách không mập mờ.

Sự bình đẳng trong tiền lương thể hiện rõ ràng hơn trong thời kỳ của Biden, nhưng mức lương thực tế tăng nhanh hơn dưới thời Trump

Điều càng bất lợi cho Đảng Dân chủ là người dân thường không suy nghĩ về lương thực tế một cách lý tính như các nhà kinh tế học. Họ cảm thấy mình đã nỗ lực để kiếm được bất kỳ khoản tăng lương danh nghĩa nào, nhưng rồi lại bị lạm phát tước đoạt những thành quả đó. Điều này khiến họ cảm thấy bức xúc và bất mãn.

Tất cả những điều này không qua mắt được các nhà kinh tế thông minh nhất trong chính quyền Biden. Trong một bài phát biểu tuần trước, Jared Bernstein, Chủ tịch Hội đồng Cố vấn Kinh tế Nhà Trắng, đã nhấn mạnh rằng người dân hẳn sẽ thích thú hơn nếu có được sự gia tăng lương thực tế mà không phải chịu gánh nặng lạm phát. Ông chia sẻ: "Trong công việc của tôi, cảm nhận của người dân là vô cùng quan trọng." Bernstein cũng cho biết Fed và chính quyền đã đạt được nhiều tiến bộ đáng kể trong việc xóa bỏ di sản chính trị của lạm phát. Hiện tại, giá cả đang tăng ở mức vừa phải, thu nhập thực tế đã tăng đối với nhiều người Mỹ và người tiêu dùng đang dần thích nghi với mức giá cao hơn.

Tuy nhiên, vấn đề đối với Harris là bà không có đủ thời gian để chờ đợi quá trình điều chỉnh này hoàn tất. Cuộc bầu cử Mỹ chỉ còn chưa đầy 100 ngày nữa. Harris nên cân nhắc kỹ lưỡng trước khi nghe theo lời khuyên của các nhà kinh tế có thiện chí muốn Đảng Dân chủ hô hào về những tiến bộ kinh tế. Sự tinh tế cần thiết để nhìn nhận nền kinh tế Mỹ dưới góc độ tích cực vẫn vượt quá khả năng của đại đa số người dân.

Bloomberg

Broker listing

Cùng chuyên mục

Thỏa thuận Mỹ - Trung khiến giá cước vận tải xuyên Thái Bình Dương tăng vọt
Mai Khánh Linh

Mai Khánh Linh

Junior Editor

Thỏa thuận Mỹ - Trung khiến giá cước vận tải xuyên Thái Bình Dương tăng vọt

Một thỏa thuận mới giữa Mỹ và Trung Quốc nhằm giảm thuế thương mại đang tạo ra cơn sốt vận tải xuyên Thái Bình Dương, với giá cước vận tải container bật tăng khi các doanh nghiệp tranh thủ khoảng “90 ngày vàng” để gấp rút giao hàng trước khi thỏa thuận hết hiệu lực.
Thương mại toàn cầu biến động, ECB thúc giục đổi mới tư duy điều hành chính sách
Trà Giang

Trà Giang

Junior Editor

Thương mại toàn cầu biến động, ECB thúc giục đổi mới tư duy điều hành chính sách

Trong bối cảnh kinh tế thế giới rơi vào vòng xoáy bất định ngày càng sâu sắc, hai thành viên chủ chốt của Hội đồng điều hành Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) đã lên tiếng cảnh báo rằng ngân hàng trung ương không nên quá phụ thuộc vào các kịch bản cơ sở truyền thống.
Tin tức Chỉ số DAX: Triển vọng sáng hơn nhờ giảm thuế quan, Dự báo Tâm lý ZEW
Diệu Linh

Diệu Linh

Junior Editor

Tin tức Chỉ số DAX: Triển vọng sáng hơn nhờ giảm thuế quan, Dự báo Tâm lý ZEW

DAX tăng lên 23,601 vào ngày 13/5 khi lệnh tạm dừng thuế quan của Hoa Kỳ - Trung Quốc nâng cao tâm lý toàn cầu; các nhà giao dịch chờ đợi diễn biến thương mại của EU và dữ liệu lạm phát của Hoa Kỳ. Trump chuyển trọng tâm thương mại sang EU, cảnh báo về các cuộc đàm phán khó khăn có thể ảnh hưởng đến các nhà xuất khẩu được niêm yết trên DAX. Bayer tăng hơn 9% sau khi vượt qua ước tính thu nhập và tái khẳng định triển vọng năm 2025 của mình..
Tăng trưởng tiền lương tại Anh chậm lại khi doanh nghiệp cắt giảm nhân sự
Mai Khánh Linh

Mai Khánh Linh

Junior Editor

Tăng trưởng tiền lương tại Anh chậm lại khi doanh nghiệp cắt giảm nhân sự

Tốc độ tăng lương tại Anh đang có dấu hiệu hạ nhiệt, trong khi các doanh nghiệp bắt đầu cắt giảm nhân sự do phải đối mặt với chi phí lao động gia tăng – gồm mức lương tối thiểu mới và thuế lương cao hơn. Đây là tín hiệu rõ rệt cho thấy thị trường việc làm đang yếu đi.
Chỉ số Hang Seng và Nikkei 225: Thị trường phản ứng với việc Mỹ-Trung tạm dừng thuế quan
Diệu Linh

Diệu Linh

Junior Editor

Chỉ số Hang Seng và Nikkei 225: Thị trường phản ứng với việc Mỹ-Trung tạm dừng thuế quan

Hoa Kỳ và Trung Quốc tuyên bố tạm dừng áp thuế trong 90 ngày, thúc đẩy Phố Wall và xoa dịu nỗi lo về suy thoái kinh tế năm 2025 tại Hoa Kỳ. Chỉ số Hang Seng giảm 1.49% khi Alibaba, JD.com và Baidu dẫn đầu mức lỗ trong các cổ phiếu công nghệ và ô tô. Nikkei 225 tăng 1.80% khi JPY suy yếu, thúc đẩy tâm lý nhà xuất khẩu và các cổ phiếu như Nissan và Sony.
Forex Forecast - Diễn đàn dự báo tiền tệ