Tin tức chỉ số DAX: Triển vọng phục thuộc vào đàm phán thương mại Mỹ–EU và tín hiệu chính sách từ ECB

Diệu Linh
Junior Editor
DAX tăng 0.23% nhờ lạc quan thương mại Mỹ–EU, giảm bớt lo ngại về mức thuế 30% của Mỹ đối với hàng hóa EU trước thời hạn ngày 1/8. ECB giữ lập trường “chờ và quan sát” khi lạm phát chạm ngưỡng mục tiêu 2%, hạn chế đà tăng của DAX dù dữ liệu PMI khả quan. Triển vọng ngắn hạn phụ thuộc vào tiến triển đàm phán thương mại Mỹ–EU và định hướng chính sách từ ECB, với phe mua nhắm đến mốc 24,639 và phe bán theo dõi vùng EMA 50 ngày.

DAX ổn định nhờ lạc quan về thỏa thuận thương mại
Tâm lý thị trường tích cực xoay quanh khả năng đạt được một thỏa thuận thương mại giữa Mỹ và EU đã thúc đẩy lực cầu đối với các cổ phiếu niêm yết trên chỉ số DAX. Chỉ số này tăng 0.23% trong phiên giao dịch thứ Năm (24/7), nối tiếp mức tăng 0.83% của ngày thứ Tư, đóng cửa ở 24,296 điểm.
Các báo cáo cho thấy hai bên đang tiến gần đến một thỏa thuận, trong đó Mỹ có thể áp dụng mức thuế 15% thay vì 30% như đe dọa trước đó, đã cải thiện tâm lý nhà đầu tư khi thời hạn ngày 1/8 cận kề. Dù mức thuế 15% vẫn còn là một rủi ro, thị trường xem đây là một kết quả “ít tiêu cực” hơn.
Tuy vậy, định hướng chính sách tiền tệ từ Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) đã giới hạn dư địa tăng của DAX. Chủ tịch ECB Christine Lagarde cho biết cơ quan này đang theo dõi sát các diễn biến thương mại và tác động tiềm tàng từ thuế quan trước khi quyết định cắt giảm lãi suất tiếp theo.
ECB hiện giữ lập trường thận trọng, bất chấp việc lạm phát khu vực Eurozone đã giảm về mức mục tiêu 2%. Dữ liệu PMI của khu vực tư nhân cho thấy kinh tế đang hồi phục, cho phép ECB giữ nguyên chính sách hiện tại trong ngắn hạn.
FX Empire – Euro Area Private Sector PMIs
Ngành ngân hàng dẫn dắt đà tăng, ngành xe hơi phục hồi
Ngành ngân hàng ghi nhận mức tăng mạnh, dẫn đầu bởi Deutsche Bank (+9.13%) sau kết quả lợi nhuận vượt kỳ vọng. Commerzbank cũng tăng 2.41%. Deutsche Telekom bật tăng 5.05% sau khi công ty con T-Mobile tại Mỹ công bố lợi nhuận quý II vượt dự báo.
Kỳ vọng Mỹ giảm thuế với hàng hóa EU đã hỗ trợ nhóm cổ phiếu ô tô. Porsche và Volkswagen lần lượt tăng 0.50% và 0.48%, trong khi Mercedes-Benz Group cũng ghi nhận đà phục hồi. Các mã này tăng bất chấp việc cổ phiếu Tesla (TSLA) giảm mạnh 8.2% do doanh thu và lợi nhuận quý II sụt giảm.
Dữ liệu về tâm lý doanh nghiệp
Vào thứ Sáu (25/7), thị trường sẽ chú ý đến dữ liệu tâm lý doanh nghiệp tại Đức. Các nhà phân tích kỳ vọng Chỉ số Khí hậu Kinh doanh Ifo tăng từ 88.4 trong tháng 6 lên 89 trong tháng 7. Một con số vượt kỳ vọng sẽ củng cố xu hướng phục hồi được phản ánh qua dữ liệu PMI khu vực tư nhân công bố gần đây.
Nếu tâm lý doanh nghiệp được cải thiện, lực cầu đối với cổ phiếu DAX có thể tiếp tục tăng. Tuy nhiên, mọi tiến triển tích cực trong đàm phán thương mại Mỹ–EU có thể làm lu mờ tác động của dữ liệu yếu hơn.
Tiến sĩ Cyrus de la Rubia, Kinh tế trưởng tại Ngân hàng Thương mại Hamburg, nhận định:
“Chúng tôi đang chứng kiến ngày càng nhiều tín hiệu phục hồi trong lĩnh vực sản xuất, được củng cố bởi các kế hoạch đầu tư mới của doanh nghiệp và hỗ trợ từ chính phủ liên bang – bao gồm các quy định khấu hao thuận lợi hơn từ ngày 1/7. Ngay cả khi Mỹ áp thuế cao hơn, điều này cũng không làm thay đổi triển vọng dài hạn.”
Nhìn chung, mặc dù dữ liệu tháng 7 có thể ảnh hưởng đến tâm lý thị trường, nhưng đàm phán thương mại Mỹ–EU mới là yếu tố có trọng số lớn hơn đối với xu hướng của DAX.
Thị trường chứng khoán Mỹ, báo cáo doanh thu và diễn biến thương mại
Chứng khoán Mỹ ghi nhận diễn biến trái chiều trong phiên thứ Năm (24/7). Lợi nhuận doanh nghiệp tích cực hỗ trợ nhóm cổ phiếu công nghệ, nhưng gây áp lực lên chỉ số Dow Jones. Nasdaq Composite tăng 0.18%, S&P 500 tăng 0.07%, trong khi Dow giảm 0.70%.
Alphabet (GOOGL) tăng 1.02% nhờ kết quả vượt kỳ vọng, thúc đẩy nhóm cổ phiếu liên quan đến AI. Advanced Micro Devices (AMD) tăng mạnh 2.19%. Tuy nhiên, đà tăng của Nasdaq bị kìm hãm bởi Tesla (TSLA), giảm 8.2% sau báo cáo tài chính kém tích cực.
IBM giảm 7.62% sau khi doanh thu mảng phần mềm không đạt kỳ vọng, kéo chỉ số Dow xuống.
Đơn hàng hóa lâu bền và đàm phán thương mại Mỹ - EU
Trong phiên giao dịch thứ Sáu, dữ liệu đơn hàng hàng hóa lâu bền của Mỹ sẽ là tiêu điểm. Dự báo cho thấy đơn hàng lõi (không bao gồm vận tải) sẽ tăng 0.1% trong tháng 6, thấp hơn mức tăng 0.5% của tháng 5. Một kết quả cao hơn có thể củng cố tâm lý thị trường, trong khi kết quả yếu sẽ làm dấy lên lo ngại về sức cầu và gây áp lực lên tài sản rủi ro.
FX Empire – Durable Goods Orders ex Transportation
Tuy nhiên, sự chú ý chính vẫn sẽ đổ dồn vào tiến triển của các cuộc đàm phán thương mại Mỹ–EU. Một thỏa thuận thuế ở mức 15% thay vì 30% có thể nâng đỡ thị trường, trong khi các cuộc đàm phán bế tắc sẽ khiến DAX chịu áp lực.
Triển vọng DAX: Các yếu tố định hình xu hướng
Triển vọng ngắn hạn của DAX phụ thuộc vào tiến độ đàm phán thương mại Mỹ–EU và định hướng từ ECB:
- Kịch bản tăng giá: Nếu đạt được thỏa thuận thương mại và ECB phát tín hiệu ôn hòa, DAX có thể hướng tới mốc kỷ lục 24,639.
- Kịch bản giảm giá: Nếu đàm phán thương mại đổ vỡ hoặc ECB phát tín hiệu diều hâu, DAX có thể giảm về vùng 24,000, tiệm cận đường EMA 50 ngày.
Tính đến sáng ngày 25/7, hợp đồng tương lai DAX giảm 49 điểm, trong khi Nasdaq 100 tăng 25 điểm – phản ánh một phiên giao dịch mở cửa trái chiều. Thị trường châu Á cũng giao dịch tiêu cực, với chỉ số Hang Seng giảm 0.86%, cho thấy tâm lý nhà đầu tư đang thận trọng trước các tiêu đề thương mại.
Triển vọng kỹ thuật DAX
Sau cú điều chỉnh mạnh hôm thứ Ba (-1.09%), DAX hiện đang duy trì trên cả đường EMA 50 ngày và EMA 200 ngày – tín hiệu hỗ trợ đà tăng.
- Mục tiêu tăng: Nếu vượt qua mức cao ngày 24/7 tại 24,515, chỉ số có thể tiến đến đỉnh lịch sử 24,639 (10/7), và xa hơn là 24,750 nếu đà tăng được củng cố.
- Rủi ro giảm: Nếu giảm dưới 24,000, đường EMA 50 ngày sẽ là hỗ trợ cần theo dõi.
Chỉ số RSI 14 ngày hiện ở mức 56.03 – cho thấy còn dư địa tăng trước khi vào vùng quá mua (RSI > 70).
DAX Index – Daily Chart – 250725
Kết luận
Các nhà đầu tư nên theo sát tiến triển của các cuộc đàm phán thương mại Mỹ–EU và phát biểu từ ECB. Trong bối cảnh hiện tại, thương mại có thể là yếu tố có ảnh hưởng lớn nhất đến xu hướng ngắn hạn của DAX.
fxempire