Tin tức chỉ số DAX: Rủi ro giảm giá gia tăng khi căng thẳng thương mịa Mỹ - EU leo thang

Diệu Linh
Junior Editor
DAX giảm phiên thứ hai liên tiếp khi kế hoạch thuế quan của Trump đối với EU gây ra làn sóng bất ổn mới trên thị trường. Phố Wall chịu áp lực sau khi Trump gửi thư thông báo thuế quan tới EU và Mexico, kéo giảm tâm lý rủi ro toàn cầu. Triển vọng DAX phụ thuộc vào tiến triển đàm phán thương mại Mỹ-EU và định hướng từ các ngân hàng trung ương, trong bối cảnh hợp đồng tương lai báo hiệu mở cửa yếu.

DAX mở rộng đà giảm khi Trump leo thang chiến tranh thương mại
Tâm lý thị trường tiếp tục chịu áp lực khi nhà đầu tư chờ đợi thông tin chi tiết về kế hoạch thuế quan đối với EU của chính quyền Trump. Chỉ số DAX mất thêm 0.82% trong phiên thứ Sáu ngày 11/7, sau khi giảm 0.38% vào ngày thứ Năm, khép lại tuần ở mức 24,255 điểm.
Hy vọng về một thỏa thuận thương mại Mỹ-EU đang dần phai nhạt khi khả năng Mỹ áp thuế cao hơn đối với hàng hóa EU gây áp lực mạnh lên nhóm cổ phiếu thuộc chỉ số DAX. Việc Mỹ áp thuế 30% đối với hàng hóa từ Canada và đe dọa mức thuế 15-20% với nhiều đối tác thương mại khác làm dấy lên lo ngại EU sẽ trở thành mục tiêu tiếp theo.
Hiệu suất ngành: Ngân hàng, y tế và công nghệ đồng loạt lao dốc
Sự bất ổn về thương mại tiếp tục tác động tiêu cực tới nhóm ngành y tế và công nghệ, đặc biệt khi các mặt hàng dược phẩm và bán dẫn đang nằm trong tầm ngắm của Nhà Trắng. Siemens Healthineers dẫn đầu đà giảm, lao dốc 3.7%. Infineon Technologies cũng giảm 0.72% khi kết thúc phiên.
Khối ngân hàng chịu tổn thất đáng kể, với Commerzbank giảm 2.04% và Deutsche Bank mất 1.32%, do triển vọng kinh tế yếu kém phủ bóng lên ngành tài chính.
Các chỉ số chứng khoán Mỹ điều chỉnh khi tin thuế quan gia tăng áp lực
Chứng khoán Mỹ suy yếu trong phiên 11/7, xóa đi phần lớn đà tăng trước đó. Các báo cáo về mức thuế 30% đối với EU và Mexico khiến các tài sản rủi ro bị bán tháo. Dow Jones giảm 0.63%, trong khi Nasdaq Composite giảm 0.22% và S&P 500 giảm 0.33%.
Tổng thống Trump chính thức gửi thư thông báo mức thuế 30% đối với hàng hóa EU, dự kiến có hiệu lực từ ngày 1/8. Chủ tịch Ủy ban châu Âu, bà Ursula von der Leyen, đã phản hồi:
“Mức thuế 30% đánh vào xuất khẩu từ EU sẽ gây tổn hại cho doanh nghiệp, người tiêu dùng và bệnh nhân ở cả hai bờ Đại Tây Dương. Chúng tôi vẫn cam kết thúc đẩy đàm phán trước thời hạn 1/8, đồng thời chuẩn bị sẵn sàng các biện pháp đáp trả một cách cân đối để bảo vệ lợi ích EU.”
Thuế suất cao hơn làm gia tăng rủi ro lạm phát, tiềm ẩn nguy cơ trì hoãn chu kỳ cắt giảm lãi suất của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed). Chủ tịch Fed chi nhánh Chicago, Austan Goolsbee, nhận định về tác động từ các chính sách thương mại của Trump đối với Fed:
“Tôi sẽ cần đợi cho đến khi những biến động này lắng xuống, khi nỗi lo giảm bớt, tôi mới có thể yên tâm rằng chúng ta quay lại quỹ đạo phục hồi ổn định. Nếu cứ sáu tuần lại xuất hiện một cú sốc cung mới, tình hình sẽ không dễ kiểm soát.”
Bình luận của Fed và diễn biến thương mại là tâm điểm thị trường
Trong phiên giao dịch ngày 14/7, giới đầu tư nên đặc biệt chú ý tới các phát biểu từ Fed và diễn biến thương mại Mỹ-EU. Quan điểm của Fed về thị trường lao động, thuế quan và định hướng chính sách tiền tệ có thể ảnh hưởng lớn đến tài sản rủi ro. Nếu Fed phát tín hiệu ôn hòa hơn về chính sách tiền tệ, cổ phiếu nhạy cảm với rủi ro như DAX có thể hưởng lợi. Ngược lại, phản ứng cứng rắn của Fed trước các rủi ro lạm phát sẽ làm giảm khẩu vị rủi ro.
Triển vọng DAX: Các yếu tố định hướng chỉ số DAX
Diễn biến của DAX trong ngắn hạn sẽ chịu ảnh hưởng trực tiếp từ các diễn biến thương mại Mỹ-EU và định hướng từ các ngân hàng trung ương.
- Kịch bản tăng giá: Nếu đạt được thỏa thuận thương mại Mỹ-EU kết hợp với tín hiệu nới lỏng từ ngân hàng trung ương, DAX có khả năng vượt đỉnh lịch sử 24,639 điểm.
- Kịch bản giảm giá: Nếu đàm phán thương mại rơi vào bế tắc hoặc các ngân hàng trung ương chuyển sang lập trường diều hâu, DAX có nguy cơ giảm xuống vùng 24,000 điểm.
Tính tới sáng ngày 14/7, hợp đồng tương lai DAX giảm 150 điểm, Nasdaq 100 giảm 87 điểm, báo hiệu một tuần giao dịch tiềm ẩn biến động mạnh với tâm điểm là các chính sách thuế quan mới.
Phân tích kỹ thuật chỉ số DAX
Mặc dù giảm điểm trong phiên cuối tuần, DAX vẫn duy trì giao dịch trên các đường EMA 50 ngày và 200 ngày, cho thấy xu hướng trung hạn vẫn đang tích cực.
- Mục tiêu tăng giá: Nếu DAX phá vỡ mức đỉnh lịch sử ngày 10/7 tại 24,639, thị trường có thể hướng tới mốc 24,750 và nếu đà tăng được củng cố, mục tiêu 25,000 hoàn toàn khả thi.
- Rủi ro giảm giá: Ngược lại, nếu phá vỡ ngưỡng hỗ trợ 24,250, mốc 24,000 sẽ trở thành vùng thử thách tiếp theo, với rủi ro giảm sâu hơn về đường EMA 50 ngày.
Chỉ báo RSI 14 ngày hiện ở mức 57.62, cho thấy DAX còn dư địa tăng giá trước khi tiến vào vùng quá mua (RSI trên 70).
Chỉ số DAX – Biểu đồ khung ngày – 140725
Triển vọng DAX: Tập trung vào tin tức thương Mại và lập trường của các ngân hàng trung ương
Nhà giao dịch nên đặc biệt theo dõi các thông tin xoay quanh đàm phán thương mại Mỹ-EU cùng những phát biểu từ các ngân hàng trung ương. Kịch bản tồi tệ từ đàm phán thương mại hoặc lập trường diều hâu có thể làm giảm giá DAX, trong khi một thỏa thuận thương mại sẽ là chất xúc tác đẩy chỉ số lên mức đỉnh mới. Các diễn biến về thương mại sẽ đóng vai trò chi phối thị trường nhiều hơn so với các yếu tố chính sách tiền tệ trong ngắn hạn.
fxempire