Nhận định USD/JPY và AUD/USD: Tăng trưởng tiền lương khiến thị trường đổ dồn chú ý vào BoJ

Diệu Linh
Junior Editor
Dữ liệu tăng trưởng tiền lương của Nhật Bản có thể tác động đến các cược tăng lãi suất của BoJ và thúc đẩy hành động giá USD/JPY vào đầu tuần giao dịch. Lượng tuyển dụng ở Úc tăng có thể thúc đẩy AUD/USD trước quyết định về lãi suất của RBA, làm giảm bớt lo ngại về việc cắt giảm lãi suất vào tháng 7. Những người phát biểu tại Fed hôm nay có thể tác động đến USD/JPY và AUD/USD tùy thuộc vào phản ứng của họ đối với Báo cáo việc làm của Hoa Kỳ tuần trước.

USD/JPY: Tăng trưởng tiền lương của Nhật Bản có thể thúc đẩy kỳ vọng tăng lãi suất của BoJ và xu hướng USD/JPY
Vào thứ Hai, ngày 7/7, đà tăng trưởng tiền lương tại Nhật Bản có khả năng ảnh hưởng đến kỳ vọng nâng lãi suất của Ngân hàng Trung ương Nhật Bản (BoJ) và từ đó tác động đến diễn biến của cặp tỷ giá USD/JPY. Theo dự báo từ giới kinh tế, thu nhập tiền mặt bình quân trong tháng 5 được kỳ vọng tăng 2.4% so với cùng kỳ năm trước, vượt mức tăng 2% trong tháng 4. Bên cạnh đó, mức chi trả cho giờ làm thêm được cho là sẽ giảm nhẹ.
Nếu tốc độ tăng lương vượt kỳ vọng, điều này có thể thúc đẩy tiêu dùng hộ gia đình, làm gia tăng áp lực lạm phát do nhu cầu – một yếu tố có thể củng cố quan điểm thắt chặt tiền tệ của BoJ, qua đó hỗ trợ đồng JPY. Ngược lại, nếu tăng trưởng tiền lương chậm lại, điều này có thể làm giảm kỳ vọng điều chỉnh chính sách, gây áp lực giảm giá lên đồng JPY.

FX Empire – Thu nhập Tiền mặt Trung bình của Nhật Bản
Bên cạnh dữ liệu lương, các diễn biến trong lĩnh vực thương mại cũng đang đóng vai trò quan trọng trong việc định hình chính sách. Việc Mỹ áp thuế cao hơn có thể tác động tiêu cực đến xuất khẩu và tăng trưởng kinh tế Nhật Bản, từ đó khiến BoJ thiên về lập trường chính sách dovish hơn.
Bà Alicia Garcia Herrero, Kinh tế trưởng khu vực châu Á - Thái Bình Dương của Natixis, bình luận:
“Các nền kinh tế phát triển tại châu Á như Hàn Quốc, Nhật Bản và phần nào là Đài Loan có khả năng tiếp tục đáp ứng nhu cầu của Mỹ trong các lĩnh vực như điện tử, đóng tàu và công nghệ cao. Do đó, họ có thể đạt được các thỏa thuận thương mại thuận lợi hơn trong đàm phán với Mỹ.”
Triển vọng USD/JPY khung ngày: Tâm điểm chuyển sang Fed sau kỳ nghỉ lễ Quốc khánh
Cuối phiên giao dịch ngày thứ Hai, các nhà đầu tư sẽ dồn sự chú ý vào các phát biểu từ Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) sau báo cáo việc làm công bố tuần trước. Phản ứng của Fed đối với số liệu lao động và quan điểm về thời điểm cắt giảm lãi suất sẽ ảnh hưởng đáng kể đến nhu cầu đối với đồng USD.
Nếu Fed phát tín hiệu dovish, ủng hộ việc hạ lãi suất nhiều lần để hỗ trợ tăng trưởng, USD/JPY có thể giảm về mốc 142.5. Ngược lại, những phát biểu hawkish, hàm ý trì hoãn điều chỉnh lãi suất, có thể làm gia tăng sức mạnh đồng USD, đẩy cặp tỷ giá này hướng đến ngưỡng 145.
Báo cáo Việc làm Mỹ công bố ngày 3/7 đã làm giảm đáng kể kỳ vọng về việc Fed sẽ nới lỏng trong quý III. Theo dữ liệu từ CME FedWatch, xác suất Fed cắt giảm lãi suất trong tháng 9 đã giảm từ 91.4% (ngày 27/6) xuống còn 69.4% (ngày 4/7), sau khi từng đạt đỉnh 96% trước khi báo cáo được công bố.

USDJPY – Biểu đồ khung ngày – 070724
USD/JPY: Các kịch bản chính cần theo dõi
- Kịch bản Giảm giá của USD/JPY: USD/JPY có thể giảm về vùng 142,5 nếu xuất hiện một thỏa thuận thương mại tích cực giữa Mỹ và Nhật Bản, dữ liệu tiền lương Nhật Bản mạnh hơn kỳ vọng, BoJ thể hiện quan điểm hawkish, hoặc Fed phát tín hiệu dovish.
- Kịch bản Tăng giá của USD/JPY: USD/JPY có thể vượt qua đường trung bình động 50 ngày và tiến tới mốc 145 nếu Mỹ áp thuế cao hơn lên Nhật Bản, dữ liệu kinh tế Nhật yếu, BoJ phát tín hiệu dovish hoặc Fed thể hiện lập trường hawkish.
AUD/USD: Dữ liệu việc làm Úc có thể làm thay đổi triển vọng chính sách của RBA?
Trong khi đó, cặp AUD/USD có thể biến động mạnh trước khi Ngân hàng Dự trữ Úc (RBA) công bố quyết định lãi suất vào thứ Ba. Dự báo mới nhất cho thấy số lượng quảng cáo việc làm ANZ-Indeed trong tháng 6 sẽ tăng 0,2% so với tháng trước – một cải thiện nhẹ sau mức giảm 1,2% trong tháng 5.
Nếu chỉ số này vượt kỳ vọng, điều đó có thể phản ánh sự cải thiện trên thị trường lao động, hỗ trợ tiêu dùng và chi tiêu hộ gia đình. Tăng trưởng chi tiêu có thể làm gia tăng áp lực lạm phát, thúc đẩy RBA giữ quan điểm thận trọng hơn với lãi suất. Tuy nhiên, nếu xu hướng giảm tiếp tục, khả năng RBA cắt giảm lãi suất – bắt đầu từ cuộc họp ngày 8/7 – sẽ gia tăng.
Trong cuộc họp tháng 5, Thống đốc RBA Michele Bullock phát biểu:
“Chúng tôi đang kiểm soát được lạm phát mà không làm tổn hại đến thị trường lao động. Tuy nhiên, việc làm và chi tiêu hộ gia đình tiếp tục là những rủi ro trong nước lớn nhất cần theo dõi.”
AUD/USD: Các kịch bản chính cần theo dõi
- Kịch bản giảm giá AUD/USD: Căng thẳng thương mại Mỹ-Trung leo thang, dữ liệu việc làm yếu từ Úc, hoặc các phát biểu dovish từ RBA có thể khiến AUD/USD giảm về vùng hỗ trợ quan trọng $0.65.
- Kịch bản tăng giá AUD/USD: Nếu căng thẳng thương mại hạ nhiệt, thị trường lao động Úc thể hiện tín hiệu tích cực hoặc RBA có quan điểm hawkish, cặp tỷ giá có thể tiến lên vùng $0.66.
Triển vọng AUD/USD khung ngày: Fed quyết định động lực chênh lệch lãi suất
Cuối phiên hôm nay, các phát biểu từ Fed tiếp tục là yếu tố quan trọng chi phối chênh lệch lãi suất Mỹ – Úc và xu hướng cặp AUD/USD.
Nếu Fed phát tín hiệu dovish, kỳ vọng về việc giảm lãi suất tăng lên, chênh lệch lãi suất thu hẹp, qua đó hỗ trợ đồng AUD và đẩy AUD/USD lên mốc $0.66.
Ngược lại, lập trường hawkish hơn từ Fed có thể khiến chênh lệch lãi suất mở rộng, làm suy yếu đồng AUD, kéo AUD/USD về mức $0.65.

AUDUSD – Biểu đồ khung ngày – 070724
Các yếu tố động lực thị trường chính cần theo dõi:
- USD/JPY: Tín hiệu chính sách từ BoJ, dữ liệu tăng trưởng tiền lương tại Nhật, và các cập nhật về thương mại Mỹ – Nhật.
- USD/JPY và AUD/USD: Diễn biến thương mại toàn cầu và các phát biểu từ Fed.
- AUD/USD: Dữ liệu thị trường lao động Úc, thông điệp chính sách từ RBA, và tình hình thương mại Mỹ – Trung.
fxempire