Mỹ và Trung Quốc buộc phải bắt tay - Mỹ cần đất hiếm, Trung Quốc cần chip AI

Diệu Linh
Junior Editor
Đây không phải là sự hòa giải, mà giống như một thỏa hiệp mong manh được đúc kết giữa những chiến tuyến thương mại, là một cái bắt tay đầy toan tính, với một tay nắm chặt công cụ kiểm soát đất hiếm, tay kia không rời danh sách thuế quan. Xuất khẩu nam châm đất hiếm của Trung Quốc sang Mỹ đã bùng nổ trong tháng 6, tăng tới 660% so với đáy lịch sử của tháng Năm. Đây không đơn thuần là sự hồi phục, mà là cú bật mạnh mẽ ra khỏi hố sâu căng thẳng ngoại giao.

Nói thẳng ra, một sự giao thương dựa trên nhu cầu thực dụng, không phải vì thiện chí. Khi dây chuyền sản xuất xe điện đình trệ và các nhà máy tua-bin im ắng, Mỹ cần đất hiếm như người nghiện cà phê cần liều thuốc buổi sáng. Còn Bắc Kinh? Họ khát khao dòng chảy silicon từ Nvidia không kém. Và như mọi cuộc trao đổi kinh tế thực dụng, hai bên đã làm điều tất yếu khi các lý tưởng bị gác sang một bên, họ đạt được thỏa thuận.
Số lượng nam châm xuất khẩu từ Trung Quốc, quốc gia được ví như “OPEC của đất hiếm, đã vọt lên 353 tấn trong tháng Sáu, tăng hơn sáu lần, không chỉ là sự phục hồi đơn thuần mà còn là lời nhắc rằng khi Bắc Kinh siết van, thế giới cảm nhận điều đó ngay lập tức trong chuỗi cung ứng. Tổng kim ngạch xuất khẩu đất hiếm của Trung Quốc đạt hơn 3,100 tấn trên toàn cầu, một sự cải thiện rõ rệt so với tháng Năm, nhưng vẫn thấp hơn đáng kể so với cùng kỳ năm ngoái, cho thấy những vết thương từ các biện pháp siết xuất khẩu hồi mùa xuân vẫn chưa hoàn toàn hồi phục.
Hồi tháng Tư, Trung Quốc tung đòn phản công bằng cách đưa một số sản phẩm đất hiếm vào danh mục hạn chế xuất khẩu, đáp trả trực tiếp làn sóng thuế quan từ Washington. Hệ quả là một cú sốc cung ứng toàn cầu, các nhà sản xuất ô tô bên ngoài Trung Quốc buộc phải ngừng dây chuyền sản xuất, những người quản lý kho hàng phải tính lại chiến lược tồn kho, còn thị trường đứng trước nguy cơ một đợt thắt chặt kéo dài. Nhưng sau tất cả, lý trí đã thắng thế. Đến tháng Sáu, tình trạng tồn đọng giấy phép bắt đầu được tháo gỡ.
Hiện tại, với nhiều giấy phép được cấp thêm, dự báo xuất khẩu trong tháng Bảy sẽ còn tiếp tục tăng. Nhưng đừng nhầm lẫn sự hồi phục này với dấu hiệu của niềm tin được khôi phục. Mối quan hệ giữa hai bên vẫn đầy bất an: Mỹ cần nam châm để duy trì sản xuất công nghệ cao, Trung Quốc cần chip để duy trì động lực kinh tế, và cả hai đều cố gắng phớt lờ cục sạn địa chính trị trong đàm phán thương mại.
Tóm lại, sự hồi phục của xuất khẩu đất hiếm chỉ là một thỏa thuận ngừng bắn mang tính chiến thuật, không phải một bước ngoặt trong quan hệ chiến lược. Trong một thế giới nơi xe điện không thể chạy, tua-bin gió không thể quay nếu thiếu neodymium và dysprosium, những mối quan hệ đối tác kỳ lạ là điều không thể tránh khỏi. Nhưng đừng mong đợi sự cảnh giác sẽ được gỡ bỏ. Dòng chảy đất hiếm có thể đã trở lại, nhưng lực hút của cuộc chiến thương mại vẫn còn rất mạnh mẽ.
fxstreet