Mở cửa thị trường châu Á: Các nhà giao dịch có xu hướng đặt cược vào một biến thể của chiến lược "TACO"

Diệu Linh
Junior Editor
Tuần này, thị trường toàn cầu di chuyển như đoàn xe không kính chẳng có đèn pha, và mỗi nhà giao dịch đều hy vọng xe dẫn đầu không lao xuống vực. Với thời hạn áp thuế ngày 9/7 đang tới gần, thị trường hiện giờ đang theo dõi Washington sát sao nhằm tìm kiếm bất kỳ dấu hiệu nào cho thấy sự leo thang hoặc thoái lui. Con đường phía trước vẫn mơ hồ, nhưng địa hình thì đầy chông gai.

Bình luận thương mại quốc tế
Chứng khoán châu Á khởi đầu tuần một cách thận trọng, giống như động cơ để ở chế độ chờ hơn là tăng tốc. Giá dầu có phần suy yếu, phản ánh trạng thái cân bằng mong manh – sản lượng gia tăng từ OPEC đã được dự báo, nhưng câu hỏi hiện tại là liệu cú đẩy này có dẫn tới tình trạng dư cung nghiêm trọng hay không. Cho tới giờ, thị trường trông giống như rò rỉ nhỏ giọt hơn là một trận lụt thực sự.
Thị trường ngoại hối gần như không biến động. Đồng USD giữ được vị thế dù hợp đồng tương lai chứng khoán Mỹ giảm nhẹ, cho thấy tâm lý ưu tiên kiểm soát rủi ro hơn là mạo hiểm. Không ai tháo chạy, nhưng cũng chẳng ai hăm hở tiến lên đỉnh tăng trưởng.
Nhiều nhà giao dịch dường như đang chọn lại chiến lược “TACO” – viết tắt của “Trump Always Comes Out” (Trump luôn rút lui) – một phản xạ đã trở nên quen thuộc. Tuy nhiên, vẫn có tiếng thì thầm trong giới phân tích rằng lần này, chúng ta có thể phải “ăn trọn món bánh chưng thuế quan” – nóng, nặng và đầy vị chính trị.
Dự luật tài chính đã được thông qua vào tuần trước điều này đã gỡ bỏ một mảnh ghép lớn trên bàn cờ vĩ mô – mang lại sự rõ ràng về chi tiêu và thuế khóa. Điều này đã giúp xua tan phần nào lớp sương mù bất định đã bao phủ thị trường suốt nhiều tháng. Tuy nhiên, về mặt thương mại, tình hình vẫn mờ mịt. Chính sách thương mại Mỹ hiện vẫn mang tính ngẫu hứng, dễ biến động và đậm màu sắc chính trị – hoàn toàn trái ngược với sự rõ ràng mà các thị trường ưa rủi ro luôn mong đợi.
Vào thứ Tư, thời hạn 90 ngày cho thỏa thuận đình chiến thuế quan qua lại sẽ kết thúc. Kịch bản cơ bản trong hầu hết các phòng giao dịch? Một mức tăng nhẹ trong biểu thuế hiệu lực, đi kèm với vài lần gia hạn chiến lược và lời lẽ ngoại giao có phần nóng hơn. Tuy nhiên, một điều chắc chắn: quá trình này sẽ không suôn sẻ hay đồng nhất. Một số quốc gia có thể được gia hạn đàm phán, trong khi những nước khác có thể bị áp thuế. Chính quyền Mỹ có khả năng sẽ giảm nhẹ áp lực với các đồng minh có “tiến triển” và tăng cường trừng phạt với các đối tác chậm chạp. Việt Nam – quốc gia đã ký một thỏa thuận sơ bộ – có thể được coi là "tấm gương" cho những ai "ngoan", cũng như là tín hiệu cảnh báo cho những bên còn đang do dự.
Thị trường đang chuẩn bị cho mọi khả năng. Chiến lược áp thuế theo từng nấc của chính quyền hiện tại gợi nhớ tới “kịch bản tháng Tư”: phân loại, leo thang, rồi đàm phán. Mục tiêu rõ ràng là tối đa hóa sức ép đàm phán, đồng thời duy trì mức độ không chắc chắn cao nhất. Tuy nhiên, đa số thị trường vẫn tin rằng kịch bản có khả năng xảy ra nhất là thêm một vòng đàm phán không đi đến đâu để câu giờ, động thái trì hoãn vừa đủ nhượng bộ để tránh xung đột lớn, nhưng không đủ để tạo ra một giải pháp thực chất.
Dù vậy, trong bối cảnh lạm phát đã dịu và chuỗi cung ứng đang dần ổn định, thuế quan vẫn có thể tạo ra một bước ngoặt vĩ mô đáng kể. Nếu Mỹ lựa chọn con đường quyết liệt – tức triển khai toàn bộ "món bánh chưng thuế quan" – điều đó có thể khiến triển vọng tăng trưởng suy giảm, kích thích kỳ vọng nới lỏng tiền tệ, và làm tăng sức hấp dẫn của trái phiếu chính phủ. Ngược lại, nếu Washington đưa ra một thực đơn “nhẹ hơn” hoặc tiếp tục trì hoãn, điều này sẽ củng cố đồng USD và làm lu mờ những kỳ vọng hạ lãi suất hiện tại.
Tạm thời, các nhà giao dịch đang tái định vị với sự cẩn trọng của người băng qua bãi mìn trong sương mù. Không ai muốn mạo hiểm quá nhiều trước một sự kiện mà “người chia bài” có thể đảo ngược luật chơi giữa chừng. Đây không còn là vấn đề của sự liều lĩnh – mà là nghệ thuật bảo toàn thanh khoản.
Thuế quan – dù đã giảm tính hiệu quả vì bị lạm dụng – vẫn có thể lấy lại “sức mạnh sân khấu” vào ngày thứ Tư và khiến thị trường “đóng băng” thêm lần nữa.
Quan điểm: Đồng hồ thuế quan đếm ngược đang gõ từng nhịp gấp gáp
Chiếc đồng hồ thuế quan đang điểm nhanh hơn, trong khi Washington lại chơi ngón bài quen thuộc – gia tăng áp lực, giữ lại thông tin. Cuối tuần qua, chính quyền Trump tiếp tục nâng tông, khiến các đối tác thương mại vội vã chạy đua chốt thỏa thuận hoặc xin thêm thời gian trước thời hạn 9/7.
Bộ trưởng Tài chính Scott Bessent xuất hiện trên truyền thông, phát tín hiệu rằng mặc dù thư thông báo thuế quan đang được gửi đi, chúng chưa hẳn là quyết định chính thức. Các quốc gia chưa đạt được thỏa thuận có thể được gia hạn thêm ba tuần – đủ thời gian để hoàn tất đàm phán hoặc… tự treo mình bằng một vòng đàm phán khác. “Chúng tôi sẽ cực kỳ bận rộn trong 72 giờ tới,” Bessent cảnh báo hôm Chủ nhật. Cùng lúc đó, Bộ trưởng Thương mại Howard Lutnick nhấn mạnh rằng các biểu thuế đã được chuẩn bị cho ngày 1/8, nhưng Tổng thống vẫn đang “cân chỉnh” chiến thuật phút chót.
Về phần mình, Trump tuyên bố từ 12 đến 15 quốc gia sẽ nhận được thư cảnh báo bắt đầu từ thứ Hai, với nhiều nước khác đang trong danh sách “chờ xử lý”. Thông điệp? Một số nước sẽ bị trừng phạt, một số được bắt tay, và vài quốc gia sẽ đi thêm một vòng nữa trên tàu lượn đàm phán. “Tôi nghĩ chúng ta sẽ hoàn tất với phần lớn quốc gia trước ngày 9/7 – hoặc bằng thư, hoặc bằng thỏa thuận,” Trump nói, để lại vừa đủ sự mập mờ khiến giới đàm phán phải toát mồ hôi.
Chúng ta hiện đang bước sâu vào giai đoạn “ngoại giao boomerang” – hồi sinh mối đe dọa quay lại mức thuế cao từ tháng Tư để buộc các đối tác phải hành động. Bessent thừa nhận đợt nước rút cuối cùng đang tắc nghẽn, và dù một số khuôn khổ đã tiệm cận thỏa thuận – như với Việt Nam, Anh, hay thậm chí một thỏa thuận đình chiến với Trung Quốc – các quốc gia khác vẫn đang chật vật. EU, Nhật Bản, Ấn Độ và Hàn Quốc đang gắng đàm phán trong bối cảnh rào cản chính trị nội bộ và sự bất định từ phía Washington.
Đáng chú ý, Bessent phủ nhận rằng ngày 1/8 là thời hạn “cứng”. Đối với các nước nhận thư, đó là một lựa chọn: hoặc đẩy nhanh đàm phán để tránh thuế, hoặc chấp nhận trở về mức cũ và chịu thêm chi phí. “Muốn nhanh? Là quyền của bạn. Muốn quay lại mức cũ? Cũng là lựa chọn của bạn,” ông nói trên CNN, cho thấy Nhà Trắng ưu tiên tiến độ hơn là đối đầu – trừ khi đối đầu mang lại hiệu quả.
Trump vẫn giữ phong cách đặc trưng – nghệ thuật đe dọa bất đối xứng – với những bức thư, tin rò rỉ, và cú ngoặt vào phút chót. Do đó, dù thị trường đang theo dõi sát các văn bản, điều thực sự quan trọng là tư thế đàm phán. Những lá thư kia là ràng buộc thực tế hay chỉ là chiêu gây sức ép truyền thống?
Ngay cả Việt Nam – được cho là đã hoàn tất thỏa thuận – vẫn cho biết đang xử lý chi tiết cuối cùng. Ấn Độ, từng được cho là đã gần đạt thỏa thuận, đang trở nên cứng rắn hơn, ám chỉ khả năng trả đũa, đặc biệt trong lĩnh vực thuế ô tô. Hàn Quốc đang tìm cách “câu giờ”, đề xuất gia hạn để tránh mức thuế mới với ngành ô tô. Trong khi đó, Thái Lan cũng đang chạy nước rút nhằm tránh đòn áp thuế 36%, đề xuất mở cửa hơn với nông sản Mỹ và mua thêm máy bay Boeing để đổi lấy sự linh hoạt.
Campuchia, đối mặt với mức thuế kịch trần 49%, nói rằng đã có một thỏa thuận khung sẽ sớm công bố. Indonesia cũng đang gấp rút ký kết một hiệp định toàn diện, bao gồm cả khoáng sản và quốc phòng. Ai nấy đều muốn có cái gì đó trên giấy trước khi đồng hồ điểm hết giờ.
Nhưng hãy nói cho rõ – lúc này, mọi chuyện không còn đơn thuần là chính sách thương mại. Trump vừa giành chiến thắng lớn trong lĩnh vực ngân sách, thị trường chứng khoán đang lơ lửng ở đỉnh lịch sử, và ông cảm nhận được lợi thế. Một làn sóng thuế quan mới vào thời điểm này có thể kích hoạt lại nỗi lo suy thoái, nhất là khi thị trường đang dần ổn định trở lại. Đợt áp thuế vào tháng 4 từng khiến thị trường hoảng loạn và buộc chính quyền phải đóng băng ở mức 10% suốt 90 ngày.
Giờ đây, chúng ta đang ở đúng điểm sôi: lệnh đóng băng sắp hết hiệu lực, chính sách đang xoay chuyển, và thị trường buộc phải định giá lại xác suất của từng nước đi.
Dù tuần này mang đến một loạt thỏa thuận, một vòng đá bóng nữa, hay một bữa bánh chưng thuế quan nguyên chiếc, thì rõ ràng: thị trường đang bước vào khu vực nguy hiểm. Một số nhà đầu tư tiếp tục cược vào chiến lược “Trump luôn rút lui”, nhưng ngày càng nhiều người bắt đầu phòng thủ cho kịch bản ngược lại – một cuộc chiến thương mại bị hâm nóng lại, thuế quan quay lại, và lớp băng trên thị trường có thể bị nung chảy chỉ sau một đêm.
fxstreet