Lạm phát theo yêu cầu: Fed biến chủ nghĩa tư bản Mỹ thành phúc lợi cho giới tinh anh

Diệu Linh
Junior Editor
Bài viết thế hiện quan điểm cá nhân của tác giả Gary Tanashian - một cây bút phân tích thị trường tài chính vĩ mô và phân tích kỹ thuật cho Investing.com.

Chủ nghĩa xã hội mới dành cho giới tinh hoa - Tư bản "ra chuồng gà"
Dưới hệ thống Federal Reserve, Hoa Kỳ không phải là một quốc gia theo chủ nghĩa tư bản, mà là một nhà nước phúc lợi xã hội chủ nghĩa dành cho giới tinh hoa, nhờ vào lạm phát
Sự khác biệt giữa phiên bản chủ nghĩa xã hội “xanh” kiểu Mỹ và chủ nghĩa xã hội “đỏ” truyền thống – vốn thường bị chỉ trích – nằm ở đối tượng thụ hưởng: trong mô hình hiện đại, đó là giới đầu tư và sở hữu tài sản giàu có. Khi chủ nghĩa xã hội phục vụ lợi ích của tầng lớp thống trị và đa số im lặng, nó bỗng trở nên “chấp nhận được”.
Bạn đang sở hữu một ngôi nhà có giá trị tăng vọt đến mức bong bóng? Vậy bạn chính là người đang hưởng lợi từ một hệ thống do Cục Dự trữ Liên bang (Fed) duy trì – hệ thống đã thổi phồng tài sản và làm gia tăng giá trị ảo. Cá nhân tôi và vợ đã bán tài sản của mình cách đây một năm, ở thời điểm mà tôi cho là đỉnh thị trường – bạn có thể gọi đó là bong bóng “Tư bản”.
Trong một diễn biến liên quan, tôi cảm thấy phần nào được khích lệ bởi một bài đăng trên X của Sunny Po. Mặc dù dự luật nợ khổng lồ sắp tới sẽ tiếp tục làm xói mòn nền kinh tế và tương lai thế hệ trẻ, nhưng ít ra đã xuất hiện những tín hiệu cho thấy xã hội bắt đầu nói “đủ rồi!”.
Con gái tôi từng nói tôi có khuynh hướng Marxist – không phải vì tôi phản đối tư bản từ trong cốt lõi, mà bởi vì tôi phản bác phiên bản tư bản hiện đại của nước Mỹ, đồng thời không thể chấp nhận một xã hội ngày càng trở nên vô hồn, trống rỗng về mặt thẩm mỹ.
Tôi hơi bất ngờ trước nhận định đó – phần vì chưa thực sự nghiên cứu sâu về chủ nghĩa Marx, phần vì cuộc trò chuyện xuất phát từ những chỉ trích xã hội mà tôi thường bày tỏ, cùng niềm yêu thích lâu năm với Situationist International – một phong trào nghệ thuật và chính trị cánh tả tự do từ thập niên 50–60. Tôi không bị trói buộc bởi các nhãn mác tư tưởng – tôi chỉ đơn giản biết mình đồng tình hay phản đối điều gì.
Tôi từng viết về điều này, nhưng xin nhắc lại. Một phiên bản trẻ hơn của tôi từng bước vào Viện Nghệ thuật Đương đại Boston, theo lời rủ của bạn gái lúc đó. Ở đó, tôi bị cuốn hút bởi tư tưởng của Guy Debord và những kẻ nổi loạn cùng ông. Những cảm giác mơ hồ mà tôi mang theo bỗng trở nên rõ ràng.
Qua diễn giải mở rộng từ Marx, nhóm Situationist cho rằng sự tha hóa xã hội và việc hàng hóa hóa mọi thứ đã lan rộng vượt ra khỏi những khía cạnh truyền thống của chủ nghĩa tư bản – giờ đây chúng hiện diện trong mọi lĩnh vực đời sống. Họ phủ nhận rằng những “thành tựu” của chủ nghĩa tư bản hiện đại – như công nghệ, sản lượng cao, mức sống tăng – đủ để bù đắp cho sự rối loạn xã hội và suy giảm chất lượng sống mà hệ thống này đồng thời gây ra.
Ghi chú người dịch: Situationist là một thuật ngữ mô tả những người theo học thuyết “situationism”, một phong trào tư tưởng và nghệ thuật xuất hiện vào cuối những năm 1950 và thịnh hành trong những năm 1960. Phong trào này nhấn mạnh tầm quan trọng của các tình huống trong đời sống con người và cách mà những tình huống này có thể ảnh hưởng đến hành vi và nhận thức của con người. Họ thường phê phán xã hội tiêu dùng và cầu thị một cách tiếp cận nghệ thuật và xã hội đổi mới, nơi mà sự tự do cá nhân và tính sáng tạo được đặt lên hàng đầu.
Xã hội cảnh tượng
Hãy nhìn vào xã hội hiện đại: nơi những con người như những cỗ máy bị mê hoặc, thỏa mãn và tiêu thụ mọi thứ được phục vụ (không chơi chữ, nhưng ta sẽ nhắc tới Fed ngay thôi).
Hôm đó, khi tôi bước vào ICA và quan sát triển lãm, tôi như tìm được lăng kính lý giải sự bất mãn trước một xã hội đang ngu muội hóa – từ trước cả khi một ngôi sao truyền hình thực tế vào Nhà Trắng. Quan điểm của tôi về Xã hội Cảnh tượng trở nên rõ ràng, sâu sắc. Nếu đó là một nhánh của chủ nghĩa Marx – hoặc một chủ nghĩa nào đó tương tự – thì có lẽ tôi thuộc về nó.
Tôi từng trình bày cảm nhận về sự ngu ngốc phổ biến trong một bài viết vài năm trước. Không ai thực sự nghiêm túc đối diện với nó – nhưng họ lại chấp nhận như thể đó là sự thật, thậm chí tôn sùng nó. Chúng ta đang sống trong một xã hội nơi các triệu phú, tỷ phú, và những kẻ cơ hội vô đạo đức kiếm tiền từ sự giải trí của đám đông, giúp họ chìm sâu vào ảo tưởng rằng mọi thứ đều ổn.
Những “anh hùng” của chúng ta

Dưới hệ thống Federal Reserve – hay như tôi đã gọi suốt hơn 20 năm qua là “Lạm phát theo yêu cầu” – mỗi khi chu kỳ kinh tế chạm tới điểm thanh lọc tự nhiên, Fed lập tức can thiệp bằng cách thổi phồng thị trường tài chính.
Họ đã "in" ra thị trường tăng trưởng vào các giai đoạn 2001–2003, 2008–2015 (với ZIRP – chính sách lãi suất bằng 0 – dưới thời Ben Bernanke), và năm 2020, khi Jerome Powell tung ra một chiến dịch lạm phát mạnh mẽ chưa từng có để vá lỗ hổng hệ thống.
Cần làm rõ: lạm phát không phải là việc giá tăng, mà là hành động in tiền. Giá cả chỉ là hậu quả. Khi chính phủ bổ sung thêm chi tiêu tài khóa, hỗ trợ các ngành ưu tiên, mọi thứ càng trở nên tồi tệ. Dự luật nợ mới sắp tới chính là minh chứng. Hãy hỏi Rand Paul – con trai của Ron Paul – xem ông nghĩ gì về “dự luật lớn, đẹp” này.
Và chúng ta có một tổng thống đến từ thế giới truyền hình thực tế – khuôn mặt ông từng phủ khắp các tờ báo lá cải. Giống như Taylor Swift, nhưng theo một cách khác.
Con người biến thành hàng hóa
Trải nghiệm sống của con người đang bị thương mại hóa đến mức vô lý. Trong khi người dân bị tước quyền nhiều hơn, khoảng cách giữa “có” và “không có” ngày càng rõ rệt – đặc biệt khi đám đông tiếp tục tiêu thụ sự ngu ngốc, bởi đó là... văn hóa Mỹ.
Fed đã tạo ra một chiếc lưới an toàn cho phép duy trì ảo tưởng: thị trường chứng khoán luôn hồi phục, hãy “giữ vững niềm tin”, mua khi giảm. Và đúng, điều đó từng đúng. Nhưng cũng đúng là: các thị trường tăng trưởng đó được tạo ra bằng tiền in.
Liệu Fed còn có thể tiếp tục như vậy?
Tôi xin chia sẻ: NFTRH đã sớm nhận định từ quý 1 năm 2020 rằng Powell đang dùng chiêu bài lạm phát để kích hoạt chu kỳ tăng trưởng kéo dài đến hôm nay. Đây không phải là lời phàn nàn của một kẻ bi quan. Hiện tại, tôi vẫn đang đầu tư (cùng với lượng tiền mặt lớn). Nhưng tôi cũng cảnh báo rằng những quy tắc trước 2022 không còn áp dụng. Đám đông vẫn tiêu hóa các quy ước cũ một cách mù quáng.
Điều từng tồn tại – giờ không còn nữa.

Kêu gọi lạm phát thêm lần nữa
Và rồi, Trump có thể sẽ trở lại Nhà Trắng – phần vì phe “xanh” đã mệt mỏi, phần vì ông nói những điều mà nhiều người muốn nghe. Nhưng khi ông kêu gọi Fed cắt giảm lãi suất, trong khi thị trường trái phiếu phát tín hiệu ngược lại, ông đang thể hiện sự thiếu hiểu biết – hoặc sự thờ ơ – với bản chất của lạm phát.
Trump rất giàu. Và lạm phát đã phục vụ ông ấy rất tốt. Khi yêu cầu Powell hạ lãi suất, thực chất ông đang đòi hỏi một làn sóng in tiền mới. Nhắc lại: lạm phát là hành động in tiền – còn giá tăng chỉ là hệ quả khi lượng tiền đó đuổi theo hàng hóa hữu hạn.
Hãy suy ngẫm. Chúng ta là một quốc gia đang chia rẽ sâu sắc – giữa một bên là đặc quyền ngu ngốc được hàng hóa hóa, bên kia là sự giận dữ tích tụ. Một trạng thái xã hội không thể bền vững. Một quốc gia say ngủ giữa những quy ước cũ, nhưng đồng thời rạn vỡ từ bên trong.
Lạm phát đã tạo ra mớ hỗn độn này.
Những "anh hùng" của chúng ta – từ Bernanke đến Powell – cùng với những người tiền nhiệm và kế nhiệm, đã làm xói mòn ý nghĩa thực sự của chủ nghĩa tư bản tại Mỹ. Không có nghĩa là các quốc gia khác thì ổn – họ cũng có ngân hàng trung ương, cũng can thiệp tiền tệ, cũng vận hành trên một hệ thống không có “neo”. Và nếu có một điểm neo khả dĩ – thì đó là vàng.
Nhưng đây không phải là một bài viết về vàng. Đây là về một quốc gia – như bao quốc gia khác – đã cấp phép cho chính mình hành động không giới hạn, miễn là Fed có thể thao túng nợ và chính phủ có thể chi tiêu không ngừng. Một “dự luật lớn, đẹp”? Sắp có ngay đây.
Và trong khi đó, như một vở truyền hình thực tế, chúng ta có tin tức xoay vòng: thuế quan bật/tắt, kiểm soát nhập cư bật/tắt. Trump nói cần “kiểm soát ICE” để không phá nát các ngành như nông nghiệp, du lịch – và như một người đọc thông thái góp ý, ông nên để mắt tới cả ngành xây dựng nhà ở nữa.
Lạm phát theo yêu cầu, không phải chủ nghĩa tư bản
Chủ nghĩa tư bản đích thực đòi hỏi đầu tư vào sản xuất. Nó không phải là in tiền vô tội vạ rồi đổ vốn vào mọi ngõ ngách – bất kể nơi đó có thực sự tạo ra giá trị hay không. Trong một hệ thống vận hành nhờ tiền in, “vốn” này lan tỏa khắp nền kinh tế – sản xuất hay không sản xuất đều không phân biệt.
Và xã hội thì tiếp tục tiêu thụ. Tiếp tục chấp nhận. Tiếp tục đấu đá với nhau, chứ không phải với hệ thống. Mà hệ thống đó chính là: Lạm phát theo yêu cầu.
Tôi sẽ quay lại công việc theo dõi thị trường – bởi sự hỗn loạn kinh tế, xã hội, hệ thống… cũng là lý do khiến công việc của tôi trở nên đầy thách thức và đáng giá.
Investing