Lạm phát lõi của Nhật Bản chững lại nhưng vẫn vượt mục tiêu, thúc đẩy kỳ vọng BoJ sẽ tiếp tục tăng lãi suất

Huyền Trần
Junior Analyst
Lạm phát lõi của Nhật Bản trong tháng 6 giảm tốc so với tháng trước nhưng vẫn duy trì trên mức mục tiêu 2% trong hơn ba năm, phản ánh áp lực giá cả kéo dài. Trước bối cảnh kinh tế gặp nhiều rủi ro và căng thẳng thương mại, Ngân hàng Trung ương Nhật Bản (BoJ) sẽ cân nhắc kỹ lưỡng các dữ liệu này khi quyết định chính sách lãi suất tại cuộc họp tháng 7.

Lạm phát lõi tại Nhật Bản đã có dấu hiệu giảm tốc trong tháng 6, tuy nhiên mức tăng vẫn vượt mục tiêu 2% mà Ngân hàng Trung ương Nhật Bản (BoJ) đặt ra suốt hơn ba năm qua. Điều này cho thấy áp lực giá cả vẫn đang tiếp diễn và củng cố kỳ vọng từ thị trường về khả năng BoJ sẽ tiếp tục nâng lãi suất trong tương lai gần.
Số liệu chính thức được công bố vào thứ Sáu cho thấy chỉ số giá tiêu dùng cốt lõi (CPI) – loại trừ chi phí thực phẩm tươi sống vốn biến động mạnh – tăng 3.3% so với cùng kỳ năm trước. Con số này phù hợp với dự báo trung bình của các chuyên gia, đồng thời thấp hơn mức tăng 3.7% của tháng 5, phần lớn do việc khôi phục trợ cấp xăng dầu. Tuy vậy, CPI vẫn duy trì ở mức trên mục tiêu 2% trong suốt 39 tháng liên tiếp.
Ngoài ra, một chỉ số CPI khác, loại bỏ cả chi phí thực phẩm tươi sống và nhiên liệu, vốn được BoJ theo dõi chặt chẽ như thước đo phản ánh áp lực giá do nhu cầu nội địa, đã tăng 3.4% trong tháng 6, cao hơn mức 3.3% của tháng 5 trước đó.
Theo nhận định của ông Abhijit Surya, nhà kinh tế cấp cao khu vực Châu Á Thái Bình Dương tại Capital Economics, “Lạm phát cơ bản vẫn duy trì ở mức cao và khả năng vượt dự báo của Ngân hàng Nhật Bản là rất lớn. Tuy nhiên, với những căng thẳng thương mại hiện hữu gây ảnh hưởng lớn đến nền kinh tế, vẫn tồn tại rủi ro B.J sẽ giữ nguyên lãi suất lâu hơn dự kiến.”
Dữ liệu lạm phát này sẽ là một trong những yếu tố quan trọng được BoJ xem xét kỹ lưỡng trong cuộc họp chính sách sắp tới vào ngày 30-31 tháng 7. Tại đây, hội đồng dự kiến sẽ điều chỉnh các dự báo lạm phát trong báo cáo đánh giá quý của mình.
Cùng với đó, giá thực phẩm – không bao gồm các loại thực phẩm tươi sống biến động như rau củ – trong tháng 6 đã tăng 8.2% so với cùng kỳ năm trước, tăng nhanh hơn mức 7.7% của tháng 5. Điều này phản ánh áp lực chi phí sinh hoạt ngày càng lớn đối với các hộ gia đình Nhật Bản.
Cụ thể, chi phí gạo – một mặt hàng thiết yếu – đã gần như tăng gấp đôi so với cùng kỳ năm trước, kéo theo giá bánh cơm tăng 19% và giá sushi ăn ngoài cũng tăng 6.5%, theo số liệu công bố.
Trong khi đó, lạm phát trong lĩnh vực dịch vụ đạt 1.5% trong tháng 6, tăng nhẹ so với mức 1.4% của tháng 5. Điều này cho thấy các doanh nghiệp đang bắt đầu chuyển phần nào chi phí lao động tăng lên người tiêu dùng, dù tốc độ tăng giá dịch vụ chậm hơn nhiều so với hàng hóa.
Ngân hàng Trung ương Nhật Bản đã kết thúc chương trình kích thích kinh tế quy mô lớn kéo dài một thập kỷ vào năm ngoái và đã tăng lãi suất ngắn hạn lên mức 0.5% vào tháng 1, dựa trên quan điểm nền kinh tế đang tiến gần tới mục tiêu duy trì lạm phát bền vững ở mức 2%.
Dù BoJ đã phát đi tín hiệu sẵn sàng nâng lãi suất tiếp tục, tác động từ các mức thuế nhập khẩu cao hơn do Mỹ áp đặt đã khiến ngân hàng này phải hạ dự báo tăng trưởng kinh tế vào tháng 5 và làm tăng thêm khó khăn trong quyết định thời điểm tăng lãi suất kế tiếp.
Nền kinh tế Nhật Bản đã thu hẹp trong quý đầu năm, khi chi phí sinh hoạt tăng cao ảnh hưởng đến sức mua của người tiêu dùng. Xuất khẩu giảm trong tháng 5, đánh dấu tháng giảm đầu tiên sau tám tháng tăng liên tiếp, càng làm gia tăng lo ngại về khả năng suy thoái kinh tế.
Trong một cuộc khảo sát các nhà kinh tế, một tỷ lệ nhỏ dự báo BOJ có thể không tăng lãi suất thêm nào trong năm nay, phản ánh sự thận trọng trước bối cảnh kinh tế phức tạp hiện nay.
Reuters