Giá dầu giảm nhẹ khi lo ngại thuế quan của Trump lấn át tín hiệu tích cực từ nhu cầu tại Mỹ

Huyền Trần
Junior Analyst
Giá dầu giảm vào thứ Năm do lo ngại các mức thuế quan mới của Tổng thống Trump có thể ảnh hưởng tiêu cực đến tăng trưởng kinh tế toàn cầu. Tuy nhiên, đà giảm được kiềm chế nhờ dữ liệu cho thấy nhu cầu xăng tại Mỹ tăng mạnh. Trong khi đó, thị trường vẫn theo dõi sát khả năng OPEC+ tăng sản lượng và tác động từ các chính sách thương mại của Mỹ đối với giá năng lượng toàn cầu.

Giá dầu giảm vào thứ Năm trong bối cảnh thị trường lo ngại rằng các biện pháp thuế quan mới nhất của Tổng thống Mỹ Donald Trump có thể đe dọa tăng trưởng kinh tế toàn cầu. Tuy nhiên, những tín hiệu tích cực từ nhu cầu xăng tại Mỹ đã giúp hạn chế đà giảm.
Hợp đồng dầu Brent kỳ hạn giảm 3 cent, xuống còn 70.16 USD/thùng. Dầu thô West Texas Intermediate (WTI) của Mỹ giảm 6 cent, còn 68.32 USD/thùng.
Về phía nhu cầu, công ty phân tích Kpler nhận định sự bất ổn kinh tế vĩ mô đã dẫn đến tâm lý mua thận trọng, đặc biệt tại châu Á. Họ cũng lưu ý rằng các khoản phí bảo hiểm rủi ro địa chính trị đã giảm khi thỏa thuận ngừng bắn giữa Israel và Iran vẫn được duy trì.
Hôm thứ Tư, ông Trump tiếp tục gây căng thẳng khi đe dọa áp thuế trừng phạt lên hàng hóa nhập khẩu từ Brazil – nền kinh tế lớn nhất Mỹ Latinh – sau tranh cãi công khai với Tổng thống Luiz Inacio Lula da Silva. Trước đó, ông đã công bố kế hoạch đánh thuế cao đối với các mặt hàng như đồng, chất bán dẫn và dược phẩm, đồng thời gửi thư thông báo thuế quan đến các nước như Philippines, Iraq, Hàn Quốc và Nhật Bản.
Mối lo ngại của các nhà hoạch định chính sách về áp lực lạm phát từ thuế quan khiến việc cắt giảm lãi suất trở nên khó khăn hơn. Theo biên bản cuộc họp ngày 17–18 tháng 6 của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed), chỉ "một vài" quan chức ủng hộ việc hạ lãi suất ngay trong tháng này. Phần lớn vẫn thận trọng do chưa đánh giá đầy đủ tác động của thuế lên giá cả. Lãi suất cao hơn có thể làm giảm nhu cầu dầu do chi phí vay vốn tăng.
Ở chiều ngược lại, một số yếu tố hỗ trợ giá dầu vẫn tồn tại. Theo Cơ quan Thông tin Năng lượng Mỹ (EIA), tồn kho dầu thô của nước này giảm trong tuần trước, cùng với sự sụt giảm trong trữ lượng xăng và nhiên liệu chưng cất. Nhu cầu xăng đã tăng 6%, đạt 9.2 triệu thùng/ngày.
J.P. Morgan cho biết trong báo cáo gửi khách hàng rằng số lượng chuyến bay thương mại toàn cầu trung bình đạt 107.600 chuyến mỗi ngày trong 8 ngày đầu tháng 7 – mức cao kỷ lục. Riêng tại Trung Quốc, số chuyến bay đã đạt đỉnh cao nhất trong 5 tháng. Đồng thời, các hoạt động cảng biển và vận tải hàng hóa cho thấy thương mại toàn cầu tiếp tục mở rộng ổn định so với năm ngoái.
Báo cáo cũng cho biết nhu cầu dầu toàn cầu từ đầu năm đến nay tăng trung bình 0,97 triệu thùng/ngày, đúng với dự báo 1 triệu thùng/ngày mà J.P. Morgan đưa ra trước đó.
Tuy nhiên, vẫn còn hoài nghi về việc liệu OPEC+ có thể thực sự tăng sản lượng như kế hoạch. Theo nhà phân tích Tony Sycamore tại IG, một số thành viên trong liên minh này đã vượt hạn ngạch, trong khi các quốc gia như Nga đang gặp khó khăn trong việc nâng sản lượng do cơ sở hạ tầng dầu mỏ bị hư hại.
OPEC+ dự kiến sẽ công bố một đợt tăng hạn ngạch sản lượng mới vào tháng 9 khi các thành viên hoàn tất việc dỡ bỏ cắt giảm sản lượng tự nguyện và UAE chuyển sang mức hạn ngạch lớn hơn.
Reuters