Giá dầu đi ngang giữa vòng xoáy trừng phạt và lo ngại suy yếu nhu cầu

Huyền Trần
Junior Analyst
Giá dầu gần như không đổi trong phiên đầu tuần khi thị trường theo dõi sát sao tác động từ các lệnh trừng phạt mới của EU nhằm vào Nga, đồng thời đánh giá rủi ro suy yếu nhu cầu nhiên liệu do sản lượng tăng từ Trung Đông. Trong khi Mỹ chuẩn bị áp thuế nhập khẩu lên EU vào ngày 1/8, giới đầu tư tỏ ra hoài nghi về khả năng thực thi hiệu quả các lệnh cấm dầu toàn cầu. Nhà đầu tư kỳ vọng diễn biến cung–cầu và dữ liệu tồn kho sắp tới sẽ định hướng giá trong ngắn hạn.

Giá dầu gần như đi ngang vào thứ Hai khi thị trường theo dõi tác động từ các lệnh trừng phạt mới của châu Âu nhằm vào nguồn cung dầu của Nga, đồng thời lo ngại nhu cầu tiêu thụ có thể yếu đi giữa bối cảnh sản lượng tăng từ các nước sản xuất ở Trung Đông.
Hợp đồng tương lai dầu Brent chỉ giảm nhẹ 1 cent xuống còn 69.27 USD/thùng sau khi giảm 0.35% trong phiên cuối tuần trước. Dầu thô WTI của Mỹ tăng 10 cent, đạt 67.44 USD/thùng, bù lại mức giảm 0.30% trong phiên trước đó.
Liên minh châu Âu hôm thứ Sáu đã thông qua gói trừng phạt thứ 18 nhắm vào Nga liên quan đến xung đột đang diễn ra. Đáng chú ý, Nayara Energy của Ấn Độ – một công ty tinh chế và xuất khẩu sản phẩm từ dầu thô Nga – cũng bị đưa vào danh sách trừng phạt.
Người phát ngôn Điện Kremlin, Dmitry Peskov, phản hồi rằng Nga đã "xây dựng được một mức độ miễn nhiễm nhất định" trước các biện pháp trừng phạt từ phương Tây.
Các biện pháp của EU được đưa ra sau khi Tổng thống Mỹ Donald Trump vào tuần trước tuyên bố sẽ áp đặt trừng phạt lên các quốc gia mua hàng xuất khẩu từ Nga, trừ khi Moskva đạt được một thỏa thuận hòa bình trong vòng 50 ngày tới.
Tuy nhiên, phản ứng thờ ơ của thị trường dầu cho thấy sự hoài nghi về hiệu quả thực tế của các biện pháp này. Theo các nhà phân tích của ING, yếu tố tiềm ẩn nhiều tác động nhất là lệnh cấm mới từ EU đối với việc nhập khẩu sản phẩm dầu tinh chế được chế biến từ dầu Nga tại các nước thứ ba.
“Nhưng rõ ràng, việc theo dõi nguồn gốc dầu thô được sử dụng tại các nhà máy lọc dầu ở các quốc gia này sẽ rất khó khăn, và điều đó khiến việc thực thi lệnh cấm trở nên phức tạp,” nhóm phân tích do Warren Patterson dẫn đầu nhận định.
Trong khi đó, Iran – một quốc gia sản xuất dầu khác cũng đang chịu lệnh trừng phạt – dự kiến sẽ tổ chức một cuộc gặp với Anh, Pháp và Đức tại Istanbul vào thứ Sáu, theo thông tin từ Bộ Ngoại giao Iran công bố hôm thứ Hai. Cuộc gặp được tổ chức sau khi ba nước châu Âu cảnh báo rằng việc Tehran không nối lại các cuộc đàm phán hạt nhân sẽ dẫn đến nguy cơ tái áp đặt các biện pháp trừng phạt quốc tế.
Tại Mỹ, số lượng giàn khoan dầu đang hoạt động đã giảm 2 đơn vị trong tuần trước, còn 422 – mức thấp nhất kể từ tháng 9 năm 2021, theo dữ liệu từ công ty dịch vụ dầu khí Baker Hughes.
Về phía chính sách thương mại, mức thuế mới của Mỹ đối với hàng hóa nhập khẩu từ EU dự kiến sẽ có hiệu lực từ ngày 1 tháng 8. Tuy vậy, Bộ trưởng Thương mại Mỹ Howard Lutnick cho biết hôm Chủ nhật rằng ông vẫn kỳ vọng Washington và Brussels có thể đạt được một thỏa thuận trước thời hạn này.
“Lo ngại về thuế quan của Mỹ sẽ tiếp tục tạo sức ép lên thị trường trong thời gian tới, trong khi dữ liệu tồn kho dầu có thể đóng vai trò hỗ trợ nếu cho thấy nguồn cung đang thắt chặt,” theo nhận định của Tony Sycamore, chuyên gia phân tích thị trường tại IG.
Ông Sycamore cho biết thêm: “Hiện tại có cảm giác thị trường dầu sẽ tiếp tục dao động trong biên độ 64–70 USD/thùng trong tuần này.”
Tính từ sau khi lệnh ngừng bắn ngày 24 tháng 6 chấm dứt cuộc xung đột kéo dài 12 ngày giữa Israel và Iran, hợp đồng dầu Brent đã giao dịch trong khoảng 66.34 USD đến 71.53 USD/thùng.
Reuters