Fed vẫn thận trọng với lãi suất giữa áp lực từ Trump và lo ngại lạm phát do thuế quan

Huyền Trần
Junior Analyst
Chỉ một số ít quan chức Cục Dự trữ Liên bang ủng hộ cắt giảm lãi suất ngay trong tháng 7, trong khi phần lớn vẫn lo ngại về rủi ro lạm phát từ chính sách thuế quan của Tổng thống Donald Trump. Biên bản cuộc họp tháng trước cho thấy Fed chọn cách tiếp cận thận trọng, giữ nguyên lãi suất và chờ thêm dữ liệu rõ ràng, dù Trump thúc ép giảm lãi suất mạnh tay. Các nhà hoạch định chính sách dự kiến có thể sẽ cắt giảm lãi suất vào cuối năm nay nếu điều kiện kinh tế cho phép.

Chỉ một vài quan chức tại Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) cho rằng lãi suất có thể được cắt giảm ngay trong tháng này, trong khi đa số vẫn thận trọng trước các rủi ro lạm phát, đặc biệt là những áp lực tiềm tàng từ chính sách thuế quan của Tổng thống Donald Trump.
Tổng thống Trump đã nhiều lần kêu gọi Fed hạ lãi suất mạnh tay và yêu cầu Chủ tịch Jerome Powell từ chức. Tuy nhiên, biên bản cuộc họp tháng trước công bố hôm thứ Tư cho thấy phần lớn trong số 19 nhà hoạch định chính sách của Fed không ủng hộ việc giảm lãi suất trong ngắn hạn. Một số cho rằng hiện không có lý do thuyết phục để cắt giảm.
Theo biên bản, “phần lớn những người tham gia” nhận định rằng việc cắt giảm lãi suất có thể phù hợp vào cuối năm, nhưng bất kỳ cú sốc giá nào do thuế quan gây ra được đánh giá là “tạm thời hoặc không đáng kể”. Không có nhà hoạch định nào ủng hộ mức cắt giảm sâu như Trump mong muốn.
Một vài quan chức Fed cho rằng mức lãi suất hiện tại – đang dao động trong khoảng 4.25%-4.50% – có thể gần với mức trung lập, tức mức mà chính sách tiền tệ không thúc đẩy cũng không làm chậm lại nền kinh tế. Dự báo của Fed hiện tại cũng cho thấy thậm chí những người có quan điểm dovish nhất trong nội bộ ngân hàng trung ương chỉ kỳ vọng cắt giảm dưới 1 điểm phần trăm trong năm nay, và không nhiều hơn 1 điểm phần trăm nữa vào năm 2026.
Mặc dù có “sự bất định đáng kể” về tác động thực tế của thuế quan lên lạm phát, biên bản nhấn mạnh “sự thiếu khẩn cấp” trong việc giảm lãi suất ngay lập tức, theo nhận xét từ Priscilla Thiagamoorthy, chuyên gia kinh tế cấp cao tại BMO Capital Markets.
Tại cuộc họp tháng trước, Ủy ban Thị trường Mở Liên bang (FOMC) đã nhất trí giữ nguyên lãi suất. Sau khi biên bản được công bố, kỳ vọng của thị trường đối với khả năng cắt giảm lãi suất trong cuộc họp ngày 29–30 tháng 7 đã giảm xuống, trong khi dự báo vẫn cho thấy khả năng cắt giảm 50 bps trước cuối năm – phù hợp với trung bình các dự báo từ các nhà hoạch định chính sách.
“Những người tham gia nói chung đồng ý rằng, với đà tăng trưởng kinh tế và thị trường lao động vẫn ổn định và lãi suất hiện tại đang ở mức hạn chế vừa phải, Ủy ban có thể kiên nhẫn chờ thêm tín hiệu rõ ràng về triển vọng lạm phát và tăng trưởng,” biên bản cho biết.
Mặc dù nhiều quan chức ủng hộ khả năng cắt giảm lãi suất vào cuối năm, vẫn có sự chia rẽ rõ rệt trong nhận định. Biên bản lưu ý: “Một số người tham gia cho rằng rủi ro lạm phát cao vẫn đáng quan ngại hơn.”
Trong các dự báo sau cuộc họp tháng 6, bảy trong số các nhà hoạch định chính sách cho rằng sẽ không có đợt cắt giảm lãi suất nào trong năm nay.
Biên bản cũng đề cập đến lo ngại về thị trường lao động: “Một số ít người tham gia nhận thấy rủi ro với thị trường lao động đã gia tăng đáng kể.” Ngoài ra, Fed cũng ghi nhận rằng người tiêu dùng có thu nhập thấp đang chuyển sang mua các sản phẩm giá rẻ hơn, điều này có thể khiến họ chịu ảnh hưởng nhiều hơn từ giá cả tăng do thuế quan.
Tổng thể, các quan chức Fed vẫn đồng thuận rằng “việc áp dụng cách tiếp cận thận trọng trong điều chỉnh chính sách tiền tệ là phù hợp,” theo biên bản.
Những quan điểm này cũng phản ánh trong biểu đồ dự báo lãi suất: Fed kỳ vọng sẽ có hai lần cắt giảm, mỗi lần 25 điểm cơ bản, vào cuối năm 2025. Giới đầu tư hiện nghiêng về khả năng có một đợt cắt giảm vào tháng 9 và đợt thứ hai vào tháng 12.
Hai quan chức Fed – Thống đốc Christopher Waller và Phó Chủ tịch phụ trách giám sát Michelle Bowman – sau đó cũng nhận định rằng lãi suất có thể được giảm ngay trong tháng này.
Reuters