Chứng khoán châu Á tăng nhẹ trước dữ liệu việc làm Mỹ và tiến trình dự luật tài khóa của Trump

Chứng khoán châu Á tăng nhẹ trước dữ liệu việc làm Mỹ và tiến trình dự luật tài khóa của Trump

Huyền Trần

Huyền Trần

Junior Analyst

10:00 03/07/2025

Thị trường châu Á đi lên trong phiên thứ Năm khi nhà đầu tư chờ báo cáo việc làm tháng 6 của Mỹ, yếu tố có thể thúc đẩy Fed cắt giảm lãi suất. Đồng thời, giới đầu tư theo sát tiến trình thông qua dự luật thuế và chi tiêu lớn của Mỹ, trong bối cảnh đồng USD chịu áp lực và lợi suất trái phiếu điều chỉnh nhẹ.

Thị trường chứng khoán châu Á mở phiên thứ Năm trong sắc xanh khi nhà đầu tư chờ đợi báo cáo việc làm quan trọng của Mỹ – một yếu tố then chốt có thể mở đường cho việc Cục Dự trữ Liên bang (Fed) cắt giảm lãi suất trong thời gian tới. Đồng thời, sự chú ý cũng đổ dồn vào tiến trình thông qua dự luật thuế và chi tiêu lớn của Mỹ tại Quốc hội.

Tại Phố Wall, các chỉ số chính đã bật tăng mạnh qua đêm và đóng cửa ở mức kỷ lục mới sau khi Tổng thống Donald Trump công bố rằng Mỹ đã đạt được một thỏa thuận thương mại với Việt Nam. Thỏa thuận này bao gồm mức thuế 20% áp lên các mặt hàng xuất khẩu sang Mỹ và được xem là tín hiệu cho thấy sẽ có thêm các hiệp định khác đang được xúc tiến. Các cuộc đàm phán thương mại tiếp theo đang diễn ra, tạo kỳ vọng mới cho giới đầu tư.

Chỉ số MSCI khu vực châu Á - Thái Bình Dương (ngoại trừ Nhật Bản) tăng 0.2%, tiệm cận mức đỉnh của gần 4 năm qua. Tại Nhật Bản, chỉ số Nikkei ít biến động. Trong khi đó, cổ phiếu blue-chip Trung Quốc tăng nhẹ 0.2%, còn chỉ số Hang Seng của Hồng Kông giảm 0.6% sau khi dữ liệu cho thấy lĩnh vực dịch vụ Trung Quốc mở rộng với tốc độ chậm nhất trong 9 tháng qua.

Hợp đồng tương lai Nasdaq và S&P 500 gần như không thay đổi tại thị trường châu Á.

Giới đầu tư đang theo dõi sát sao tiến trình thông qua dự luật tài chính tại Hạ viện, vốn đã được Thượng viện phê duyệt. Nếu được thông qua, dự luật này sẽ làm tăng nợ công Mỹ thêm 3.3 nghìn tỷ USD, đồng thời cắt giảm thuế và giảm bớt các chương trình phúc lợi xã hội.

Tâm điểm rủi ro lớn nhất trong phiên là báo cáo việc làm tháng Sáu của Mỹ. Giới phân tích kỳ vọng mức tăng 110,000 việc làm mới, trong khi tỷ lệ thất nghiệp được dự báo sẽ tăng lên 4.3%. Tuy nhiên, sau báo cáo gần đây ghi nhận lần đầu sụt giảm việc làm trong hơn hai năm, rủi ro về một kết quả kém lạc quan đang khiến thị trường dè chừng.

Fed đến nay vẫn chưa có động thái cắt giảm lãi suất trong năm nay, với đa số thành viên cho rằng cần thêm thời gian để đánh giá tác động thực sự của thuế quan lên lạm phát. Tuy nhiên, dữ liệu lao động suy yếu có thể khiến thị trường điều chỉnh kỳ vọng chính sách nhanh chóng.

“Các chỉ số thị trường lao động hiện tại đang cảnh báo nguy cơ tỷ lệ thất nghiệp có thể nhảy vọt lên 4.4%, mức cao nhất kể từ tháng 10/2021,” chuyên gia Tony Sycamore của IG nhận định. “Nếu điều này xảy ra, xác suất Fed cắt giảm lãi suất ngay trong tháng Bảy sẽ tăng lên khoảng 70%.”

Tuy nhiên, theo dữ liệu hợp đồng tương lai, xác suất Fed hành động trong tháng này mới chỉ ở mức 25%. Tổng thống Trump đã nhiều lần bày tỏ sự không hài lòng về sự trì hoãn này, tiếp tục kêu gọi Chủ tịch Fed Jerome Powell từ chức, đồng thời khẳng định mức lãi suất nên được hạ xuống 1% từ ngưỡng hiện tại 4.25–4.50%.

Thị trường trái phiếu chính phủ Mỹ phản ứng thận trọng trước dữ liệu việc làm sắp tới. Lợi suất trái phiếuchính phủ kỳ hạn 10 năm giảm nhẹ 2 bps xuống còn 4.265%, trong khi lợi suất trái phiếu chính phủ kỳ hạn 2 năm giảm về 3.77%.

Đồng USD tiếp tục chịu áp lực khi các nhà đầu tư lo ngại về tính độc lập của Fed trong bối cảnh chỉ trích ngày càng gay gắt từ Tổng thống. Chỉ số đồng USD đã xuống mức thấp nhất trong hơn ba năm so với các đồng tiền lớn khác.

Trong khi đó, EUR/USD tăng lên 0.1% lên mức 1,1807 – chỉ còn cách đỉnh gần 4 năm là 1,1829 một chút, đạt được vào thứ Ba. GBP/USD cũng tăng nhẹ 0.1%, phục hồi sau mức giảm mạnh 0.8% trong phiên trước đó, khi lo ngại về vị thế của Bộ trưởng Tài chính Rachel Reeves dần lắng xuống.

Sự đảo ngược chính sách phúc lợi gần đây của Anh đã làm tăng căng thẳng tài chính trong nước, đẩy lợi suất trái phiếu chính phủ tăng vọt. Có lúc, lợi suất tăng đến 23 bps – mức cao nhất kể từ tháng 10 năm 2022.

Trên thị trường hàng hóa, giá dầu giảm nhẹ sau thông tin Iran ngừng hợp tác với Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế (IAEA). Hợp đồng dầu thô Mỹ giảm 0.4% xuống còn 67.20 USD/thùng, trong khi dầu Brent giao dịch ở mức 68.84 USD/thùng, cũng giảm 0.4%.

Giá vàng giảm 0.4% trong phiên, hiện được giao dịch quanh mốc 3.342 USD/ounce.

Reuters

Broker listing

Cùng chuyên mục

Forex Forecast - Diễn đàn dự báo tiền tệ