Tỷ lệ thất nghiệp tại Úc tăng vọt, củng cố khả năng RBA cắt giảm lãi suất trong tháng 8

Huyền Trần
Junior Analyst
Thị trường lao động Úc có dấu hiệu chững lại khi tỷ lệ thất nghiệp tháng 6 tăng lên 4.3%, mức cao nhất kể từ 2021, trong khi việc làm toàn thời gian sụt giảm mạnh. Diễn biến này khiến đồng AUD lao dốc và gia tăng kỳ vọng Ngân hàng Dự trữ Úc sẽ cắt giảm lãi suất tại cuộc họp sắp tới vào tháng 8.

Việc làm tại Úc chỉ tăng nhẹ trong tháng 6, trong khi tỷ lệ thất nghiệp tăng vọt lên mức cao nhất kể từ cuối năm 2021. Điều này có thể là dấu hiệu đầu tiên cho thấy sự suy yếu trong thị trường lao động vốn được coi là rất vững chắc, và là một lý do bổ sung để Ngân hàng Dự trữ Úc (RBA) xem xét cắt giảm lãi suất vào tháng tới.
Ngay sau khi dữ liệu được công bố, đồng AUD/USD giảm 0.7% xuống còn 0.6480 – mức thấp nhất trong hơn ba tuần. Lợi suất trái phiếu chính phủ kỳ hạn 3 năm giảm 10 điểm cơ bản xuống 3.386%, do các nhà đầu tư nâng khả năng RBA hạ lãi suất vào tháng 8 từ 76% lên 85%.
Báo cáo từ Cục Thống kê Úc công bố hôm thứ Năm cho thấy, số việc làm ròng chỉ tăng thêm 2,000 trong tháng 6 – thấp hơn nhiều so với kỳ vọng thị trường là 20,000, dù số liệu trước đó của tháng 5 đã được điều chỉnh tăng, chỉ giảm 1,100. Tuy nhiên, chuỗi dữ liệu này vốn có độ biến động lớn trong những tháng gần đây.
Điểm đáng chú ý nhất là tỷ lệ thất nghiệp đã tăng từ 4.1% lên 4.3% – mức cao nhất kể từ tháng 11/2021 – gây bất ngờ sau nhiều tháng duy trì ổn định. RBA hiện dự kiến tỷ lệ thất nghiệp sẽ chạm đỉnh 4.3% vào cuối năm nay.
“Chúng tôi chưa đến mức phải gióng hồi chuông cảnh báo, nhưng sự suy yếu trong dữ liệu tháng 6 là một lý do chính đáng để RBA đẩy nhanh việc cắt giảm lãi suất,” Harry Murphy Cruise, trưởng bộ phận nghiên cứu kinh tế tại Oxford Economics Australia, nhận định. “Trong thời gian tới, thị trường lao động sẽ phải đối mặt với nhiều trở ngại. Một trong số đó là các mức thuế quan do Tổng thống Trump áp đặt đang gây áp lực lên hoạt động đầu tư kinh doanh và khiến nhiều doanh nghiệp phải đánh giá lại kế hoạch tuyển dụng.”
Thị trường lao động Úc đã thể hiện sức chống chịu đáng kể, ngay cả khi nền kinh tế hầu như không tăng trưởng. Đây là lý do tại sao đầu tháng này, RBA vẫn quyết định giữ nguyên lãi suất ở mức 3.85%, sau hai lần cắt giảm trước đó trong năm.
Tuy nhiên, RBA vẫn chưa thực sự tin rằng lạm phát đã được kiểm soát, và đang chờ thêm tín hiệu từ báo cáo giá tiêu dùng quý III, dự kiến công bố vào cuối tháng 7. Cho đến nay, việc giảm lãi suất chưa tạo ra tác động rõ rệt đến chi tiêu của người tiêu dùng, và tăng trưởng kinh tế vẫn ở mức thấp.
Báo cáo việc làm ngày thứ Năm cũng cung cấp thêm bằng chứng về sự suy yếu: số lượng việc làm toàn thời gian giảm 38,200 trong tháng 6, trong khi tổng số giờ làm việc giảm 0,9%, đảo chiều so với mức tăng mạnh trong tháng 5. Tỷ lệ tham gia lực lượng lao động tăng nhẹ lên 67.1%.
Một điểm gây tranh cãi là sự không đồng nhất giữa các số liệu: trong khi dữ liệu chính thức cho thấy thị trường lao động đang chậm lại, thì các chỉ số dẫn đầu như số lượng vị trí tuyển dụng lại thể hiện sự ổn định. Các dữ liệu khu vực tư nhân trong tháng 6 cho thấy số lượng tin tuyển dụng đã phục hồi lên mức cao nhất trong một năm.
“Có những dấu hiệu rõ ràng cho thấy đà chậm lại đang hình thành trong thị trường lao động,” Tony Sycamore, nhà phân tích tại IG, cho biết. “Điều này đặt ra câu hỏi liệu RBA đã đúng khi ưu tiên kiểm soát lạm phát hơn là bảo vệ tăng trưởng và việc làm trong cuộc họp đầu tháng này.”
Ông nhấn mạnh thêm: “Chắc chắn RBA sẽ rất muốn điều chỉnh lại chính sách trong cuộc họp tháng 8 tới.”
Reuters