Thị trường chứng khoán Mỹ bất ngờ phục hồi mạnh mẽ sau thỏa thuận thuế quan Mỹ - Trung

Trà Giang
Junior Editor
Sau nhiều tháng bị cuốn vào tâm lý bi quan bởi căng thẳng thương mại, viễn cảnh suy thoái kinh tế và sự bất định trong điều hành chính sách tại Mỹ, giới đầu tư lớn đã bị bất ngờ trước một trong những đợt hồi phục dữ dội nhất của tài sản Mỹ kể từ đầu năm.

Sự khởi đầu của cú "quay xe" ngoạn mục này chính là thỏa thuận đình chiến tạm thời giữa Washington và Bắc Kinh, trong đó hai nền kinh tế lớn nhất thế giới đồng ý cắt giảm thuế quan trong ít nhất 90 ngày – một động thái được xem là dấu chấm hết cho giai đoạn khốc liệt nhất của cuộc chiến thương mại kéo dài.
Chỉ trong một tuần, chỉ số S&P 500 đã tăng 4%, xóa sạch toàn bộ khoản lỗ từ đầu năm đến nay, trong khi Nasdaq Composite bật tăng gần 30% so với mức đáy chỉ vài tuần trước, ngay sau bài phát biểu hôm 2/4 của Tổng thống Donald Trump gọi là “Ngày Giải phóng thuế quan”. Cùng lúc, đồng USD tăng giá trong phiên đầu tuần, lợi suất trái phiếu chính phủ kỳ hạn 10 năm vọt lên 4.5% so với mức đáy khoảng 4% hồi đầu tháng 4, phản ánh kỳ vọng tăng trưởng đột ngột của thị trường.
Tuy nhiên, làn sóng hồi phục này không phải là tin vui với tất cả. Nhiều nhà đầu tư tổ chức – bao gồm các quỹ đầu tư lớn và các nhà quản lý tài sản – vốn đang duy trì thế phòng thủ mạnh mẽ, đã bị "sốc" trước sự đảo chiều chóng mặt của thị trường. "Thị trường đã bị đặt vào thế hoàn toàn bất ngờ," ông Robert Tipp, Giám đốc đầu tư trái phiếu toàn cầu tại PGIM Fixed Income nhận định. “Ngay cả khi mức thuế hiện nay vẫn còn rất cao so với tiêu chuẩn thông thường, thì khả năng nhượng bộ và đạt được thỏa thuận đã khiến các nhà đầu tư buộc phải đóng trạng thái và điều chỉnh danh mục một cách gấp rút.”
Một trong những yếu tố thúc đẩy đà tăng chính là việc giới đầu cơ theo xu hướng (trend-following hedge funds) buộc phải rút lui khỏi các vị thế bán khống khi thị trường đi ngược kỳ vọng. Sự ép giá (short squeeze) diễn ra diện rộng, tạo thành làn sóng mua đuổi lan nhanh trên toàn thị trường.
Dữ liệu khảo sát nhà đầu tư toàn cầu của Bank of America, được thực hiện trước khi thông tin thỏa thuận thương mại được công bố, cho thấy giới quản lý quỹ đang có cái nhìn tiêu cực nhất đối với chứng khoán Mỹ trong hai năm qua. Đồng thời, quan điểm về đồng USD cũng bi quan chưa từng thấy kể từ năm 2006. Dữ liệu từ Ủy ban Giao dịch Hàng hóa Tương lai Mỹ (CFTC) củng cố thêm lập luận này, khi cho thấy các nhà đầu tư đang nắm giữ lượng cược vào đồng euro ở mức cao nhất kể từ tháng 9/2024 – tương đương với đặt cược vào khả năng suy yếu của đồng USD.
Dữ liệu của CFTC cũng cho thấy, trong tuần kết thúc ngày 6/5, giới đầu tư quản lý tài sản đang nắm giữ vị thế mua ròng lớn nhất từ trước đến nay đối với hợp đồng tương lai trái phiếu kho bạc Mỹ kỳ hạn 10 năm – một biểu hiện rõ nét cho kỳ vọng suy thoái. Trái phiếu kỳ hạn 10 năm vốn là công cụ phản ánh kỳ vọng tăng trưởng trung hạn và rủi ro vĩ mô, do đó vị thế này cho thấy thị trường từng đặt cược vào khả năng kinh tế Mỹ sẽ đi xuống trong nửa cuối năm nay.
Trong khi các tổ chức còn chần chừ, nhà đầu tư nhỏ lẻ lại tỏ ra nhanh nhạy hơn. Theo Deutsche Bank, phần lớn lực mua đẩy S&P 500 tăng cao trong tháng qua đến từ các phiên giao dịch ban ngày – khi nhà đầu tư cá nhân hoạt động mạnh nhất. Ngược lại, lợi suất trong các phiên qua đêm – thời điểm các nhà đầu tư tổ chức mua bán hợp đồng tương lai và phái sinh – lại rất trầm lắng.
Diễn biến đảo chiều cũng kéo theo sự hạ nhiệt rõ rệt về kỳ vọng biến động. Chỉ số VIX đã giảm trở lại mức trước khi ông Trump tuyên bố “Ngày Giải phóng thuế quan”. Đồng thời, chỉ số đo lường kỳ vọng biến động của tỷ giá EUR/USD do CME Group cung cấp cũng đã giảm xuống mức thấp nhất kể từ tháng 3.
Tuy vậy, không phải ai cũng đồng tình với làn sóng lạc quan hiện tại. Một số chuyên gia cảnh báo rằng đợt phục hồi này có thể chỉ mang tính kỹ thuật và cảm tính tạm thời. “Chúng ta cần nhớ rằng những thiệt hại do sự hỗn loạn chính sách gây ra đối với niềm tin của người tiêu dùng và doanh nghiệp là rất lớn. Đừng quá vội lạc quan,” ông Andrew Pease, Giám đốc chiến lược đầu tư toàn cầu tại Russell Investments khuyến nghị.
Nhiều ý kiến cho rằng đồng USD – dù tăng nhẹ đầu tuần – vẫn đang đối mặt với áp lực giảm giá trong trung hạn. “Tôi cho rằng đây chỉ là đợt hồi phục ngắn hạn của đồng USD. Mức thuế hiện tại vẫn đủ cao để tạo ra tác động đình trệ-lạm phát (stagflation) đối với kinh tế Mỹ,” ông Athanasios Vamvakidis – Trưởng bộ phận chiến lược FX khối G10 toàn cầu tại Bank of America – phân tích. “Để đồng USD yếu trở lại, dữ liệu kinh tế Mỹ cần trở nên xấu đi – và chúng tôi tin điều đó sẽ xảy ra.”
Quan điểm này được chia sẻ bởi ông Dominic Schnider, Trưởng bộ phận ngoại hối và hàng hóa toàn cầu tại UBS Wealth Management: “Nhà đầu tư vẫn chưa thể hình dung hết mức độ thiệt hại mà cuộc chiến thương mại đã gây ra. Những con số hiện tại chưa nói lên toàn bộ câu chuyện.”
Trong bối cảnh tâm lý thị trường đang bị chi phối bởi sự kết hợp giữa hưng phấn kỹ thuật và nỗi hoài nghi cơ bản, giới đầu tư sẽ cần thêm dữ liệu thực tiễn để định hình lại kỳ vọng. Và câu hỏi lớn nhất lúc này vẫn còn đó: liệu thỏa thuận đình chiến Mỹ - Trung chỉ là một khoảng lặng nhất thời, hay sẽ mở ra một chương mới thực sự cho kinh tế toàn cầu?
Financial Times