Stablecoin và câu hỏi pháp lý: Có nên xem như tiền tệ?

Mai Khánh Linh
Junior Editor
Một trong những nền tảng pháp lý quan trọng nhất trong lịch sử tài chính hiện đại bắt nguồn từ một vụ án ở Anh vào năm 1758, khi một tờ tiền bị đánh cắp được sử dụng để thanh toán tại một quán trọ. Tòa án tối cao thời đó phán quyết người nhận tờ tiền là chủ sở hữu hợp pháp, tạo tiền lệ cho việc công nhận tiền giấy là phương tiện thanh toán hợp pháp, bất kể lịch sử sở hữu trước đó.

Ba thế kỷ sau, một vấn đề tương tự đang đặt ra với stablecoin – loại tiền mã hóa được thiết kế để giữ giá trị ổn định so với tiền pháp định như USD. Với tổng giá trị lưu hành khoảng 240 tỷ USD, stablecoin đã thể hiện đủ ba chức năng cơ bản của tiền tệ: đơn vị tính toán, phương tiện thanh toán và kho lưu trữ giá trị.
Tuy nhiên, việc thiếu khung pháp lý rõ ràng khiến stablecoin dễ bị vướng vào tranh chấp quyền sở hữu – tương tự như những nghi ngại về tiền giấy ở thế kỷ 18. Tại Mỹ, hai dự luật đang được Quốc hội xem xét – Đạo luật Genius của Thượng viện và Đạo luật Stable của Hạ viện – song cả hai đều chưa làm rõ liệu stablecoin có được coi là tiền dưới góc độ luật dân sự, thuế và kế toán hay không.
Một bước tiến là việc bổ sung Điều 12 vào Bộ luật Thương mại Thống nhất (UCC) năm 2022, quy định rằng nếu stablecoin được coi là “hồ sơ điện tử có thể kiểm soát”, thì các quyền lợi sở hữu trước đó sẽ không còn hiệu lực. Tuy nhiên, cho đến nay, chỉ 27 bang của Mỹ phê chuẩn điều khoản này. Ở các bang còn lại, stablecoin có thể vẫn bị coi là “tài sản vô hình”, dẫn đến bất tiện khi sử dụng như tiền.
Luật thuế cũng là một rào cản. Nếu stablecoin vẫn bị xếp vào nhóm “tài sản kỹ thuật số” như bitcoin, mọi khoản thanh toán bằng stablecoin có thể bị xem là giao dịch tài sản, phát sinh nghĩa vụ báo cáo lãi – lỗ với Sở Thuế vụ (IRS). Điều này có thể tạo ra khối lượng báo cáo lớn từ cả cá nhân và doanh nghiệp khi thanh toán bằng stablecoin.
Một giải pháp được đề xuất là yêu cầu stablecoin luôn được mua – bán đúng giá trị danh nghĩa, tránh phát sinh chênh lệch giá. Ngoài ra, việc nới lỏng quy định kê khai thuế – ví dụ áp dụng miễn trừ như với giao dịch ngoại tệ dưới 200 USD – có thể giúp tăng tính ứng dụng của stablecoin trong thanh toán hàng ngày.
Chuẩn mực kế toán cũng cần được điều chỉnh. Việc chưa thống nhất stablecoin nên được hạch toán như tiền mặt hay tài sản tài chính đang khiến doanh nghiệp gặp khó trong báo cáo tài chính. Cách phân loại này sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến khả năng triển khai stablecoin trong thương mại.
Trong phiên điều trần trước Quốc hội Mỹ vào tháng 6/2023, Chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang Jerome Powell cho biết: “Chúng tôi coi stablecoin thanh toán là một hình thức tiền tệ.”
Việc công nhận stablecoin là tiền – cả về pháp lý, thuế và kế toán – được xem là yếu tố then chốt để mở đường cho sự phát triển bền vững của tiền số trong nền kinh tế toàn cầu.
Financial Times