Nhà đầu tư nhỏ lẻ và chiến lược 'mua bắt đáy': Lực đỡ mới của thị trường tài chính hiện đại

Nhà đầu tư nhỏ lẻ và chiến lược 'mua bắt đáy': Lực đỡ mới của thị trường tài chính hiện đại

Trà Giang

Trà Giang

Junior Editor

14:16 07/05/2025

Giữa những cơn địa chấn chính trị và chính sách gây chao đảo Phố Wall, một lực lượng âm thầm nhưng ngày càng mạnh mẽ đã và đang góp phần ổn định lại nhịp đập của thị trường tài chính Mỹ: nhà đầu tư cá nhân.

Diễn biến quanh sự kiện Tổng thống Donald Trump bất ngờ áp đặt thuế quan – cú sốc chính trị được gọi là “Ngày Giải phóng” – chính là một minh họa sống động. Khi chỉ số S&P 500 lao dốc 12% trong vỏn vẹn bốn phiên giao dịch, giới đầu tư chuyên nghiệp loay hoay với rủi ro và kiểm soát danh mục thì hàng triệu nhà đầu tư nhỏ lẻ lại… rót tiền.

Cụ thể, ngay trong ngày thị trường giảm 5% sau tuyên bố của ông Trump, dòng vốn ròng từ nhà đầu tư cá nhân đã lên tới 5 tỷ USD. Và chỉ trong vòng một tuần sau đó, bất chấp giá cổ phiếu tiếp tục rơi, họ bơm thêm hàng tỷ USD nữa để săn tìm cổ phiếu công nghệ như Amazon, Nvidia và các quỹ ETF toàn thị trường. Hành vi này trái ngược hoàn toàn với hình ảnh quen thuộc trước đây về nhóm đầu tư nhỏ lẻ: cảm tính, thiếu kiên nhẫn, và dễ bị dẫn dắt bởi các biến động ngắn hạn. Giờ đây, họ hành xử như những tay chơi kỳ cựu – thậm chí đôi khi còn “cứng vía” hơn các tổ chức chuyên nghiệp.

Trên các diễn đàn trực tuyến như Reddit’s r/WallStreetBets, triết lý “mua khi thị trường điều chỉnh” (buy the dip) trở thành khẩu hiệu tập thể. Khi các quỹ đầu tư bị buộc cắt giảm vị thế vì yêu cầu quản trị rủi ro, chính nhà đầu tư nhỏ lẻ lại là lực lượng cung cấp thanh khoản – giúp thị trường không bị hoảng loạn quá mức. Vai trò này ngày càng trở nên quan trọng, đặc biệt trong bối cảnh thị trường tài chính đang tái định hình dưới ảnh hưởng của công nghệ, hành vi mạng xã hội và sự phân hóa tài sản.

Dĩ nhiên, tâm lý “mua khi giảm” không phải là một hiện tượng mới, và không phải lúc nào cũng đúng. Một nghiên cứu của hai học giả Harvard – Robin Greenwood và Andrei Shleifer – từng chỉ ra rằng nhà đầu tư nhỏ thường kỳ vọng lợi suất giảm sau khi thị trường giảm, thay vì tăng lên như lý thuyết kỳ vọng. Xu hướng dòng vốn đổ vào các quỹ có thành tích tốt nhất và việc bám theo cổ phiếu tăng nóng (như Bitcoin, GameStop hay ARK của Cathie Wood) là minh chứng cho tâm lý “cái gì đã tăng thì sẽ tiếp tục tăng”.

Tuy nhiên, bên dưới lớp hành vi bề nổi đó là những động lực sâu sắc hơn. Một trong số đó là tái cân bằng danh mục – khi tỷ trọng cổ phiếu giảm mạnh, nhà đầu tư sẽ phải mua thêm cổ phiếu để duy trì chiến lược 60-40 giữa cổ phiếu và trái phiếu. Ví dụ, với danh mục trị giá 1,000 USD gồm 600 USD cổ phiếu và 400 USD trái phiếu, nếu cổ phiếu mất 20% còn trái phiếu tăng 2%, tỷ trọng sẽ bị lệch về 54-46. Để cân bằng trở lại, họ buộc phải “bắt đáy”. Ngoài ra, hiện tượng "disposition effect" – tâm lý giữ cổ phiếu lỗ, bán cổ phiếu lãi – cũng tạo ra cảm giác như thể nhà đầu tư nhỏ lẻ đang hành động ngược dòng.

Song những lý do kỹ thuật ấy không đủ giải thích cho sức mạnh tâm lý tập thể mà nhà đầu tư cá nhân đang thể hiện. Họ tin rằng: sau mỗi cú sụt giảm sẽ là một cú hồi phục, và niềm tin ấy, nhờ mạng xã hội và giao dịch tức thời, đang tự củng cố qua từng chu kỳ. Khi thị trường rơi không vì lý do cơ bản mà vì tâm lý, người dám xuống tiền lúc đó sẽ là người hưởng lợi. Và thực tế đã chứng minh rằng, xét trên các chu kỳ dài hạn, họ thường đúng.

Một lý do khác khiến hành vi “mua khi giảm” trở nên phổ biến chính là sự bùng nổ của nền tảng giao dịch tức thời như Robinhood hay eToro. Năm 2019, tổng tài sản trên các nền tảng này là 14 tỷ USD. Đến nay, con số đó đã là 180 tỷ USD. Không chỉ số lượng tăng, chất lượng dòng tiền cũng khác biệt: người dùng Robinhood trung bình trẻ hơn khách hàng của Vanguard đến 15 tuổi. Họ năng động hơn, chấp nhận rủi ro cao hơn và hành xử trong khung thời gian ngắn hơn – yếu tố khiến chiến lược "mua khi giảm" trở nên phổ biến như một bản năng.

Bên cạnh đó, không thể bỏ qua vai trò của tầng lớp siêu giàu – những người sở hữu trên 30 triệu USD tài sản đầu tư. Theo Xavier Gabaix (Harvard) và đồng sự, đây là nhóm nhà đầu tư không rút vốn khi thị trường lao dốc, mà trái lại, họ sẵn sàng bơm tiền. Dù chiếm số lượng ít, họ nắm trong tay phần lớn dòng tiền hộ gia đình. Và trong lúc phần còn lại của thị trường đang loay hoay, họ là “nhà tài trợ cuối cùng” giúp thị trường không rơi vào trạng thái mất kiểm soát.

Tất cả những yếu tố trên đang tạo nên một nghịch lý thú vị: sự kết hợp giữa tài sản tập trung, công nghệ giao dịch hiện đại và tư duy đầu tư đối nghịch đang khiến thị trường ổn định hơn trong ngắn hạn. Thay vì biến động điên cuồng như thời dot-com hay khủng hoảng 2008, thị trường giờ đây được “chống lưng” bởi niềm tin đại chúng và dòng tiền kiên định. Nếu không có hàng tỷ USD từ nhà đầu tư cá nhân đổ vào trong tháng 4, S&P 500 có lẽ đã không hồi phục nhanh đến vậy – và thị trường cũng sẽ rung lắc nhiều hơn.

Trong vai trò mới này, nhà đầu tư nhỏ lẻ không còn là người bị động chạy theo xu hướng. Họ đang trở thành lực lượng điều tiết thị trường – vừa là người mua, vừa là người giữ nhịp. Và ít nhất trong thời điểm hiện tại, chiến lược “mua khi giảm” đang giúp họ trông giống như những người đi trước một bước.

The Economist

Broker listing

Cùng chuyên mục

Ấn Độ tăng mua dầu Nga giữa bối cảnh nguồn cung toàn cầu thay đổi
Huyền Trần

Huyền Trần

Junior Analyst

Ấn Độ tăng mua dầu Nga giữa bối cảnh nguồn cung toàn cầu thay đổi

Các nhà máy lọc dầu lớn của Ấn Độ, bao gồm Indian Oil và BPCL, đang đẩy mạnh mua dầu thô Nga từ thị trường giao ngay nhằm đa dạng hóa nguồn cung, bất chấp mức chiết khấu thu hẹp. Indian Oil giảm tỷ lệ nhập khẩu theo hợp đồng dài hạn, trong khi BPCL tìm cách điều chỉnh điều khoản để linh hoạt hơn trong giao dịch. Động thái này phản ánh nỗ lực thích ứng với biến động địa chính trị và xu hướng mua hàng toàn cầu.
Trung – Nga nối lại đàm phán đường ống khí đốt giữa căng thẳng địa chính trị
Huyền Trần

Huyền Trần

Junior Analyst

Trung – Nga nối lại đàm phán đường ống khí đốt giữa căng thẳng địa chính trị

Chủ tịch Tập Cận Bình và Tổng thống Putin chuẩn bị bàn về dự án đường ống Power of Siberia 2 vốn bị đình trệ lâu năm vì bất đồng chi phí và lộ trình. Nga kỳ vọng tăng xuất khẩu sang Trung Quốc khi mất thị trường châu Âu, trong khi Bắc Kinh vẫn dè dặt dù áp lực kinh tế khiến khí đốt Nga hấp dẫn hơn. Tuy chưa chắc đạt được thỏa thuận, nhưng hai bên đang tiến gần hơn tới khả năng nhượng bộ.
Chứng khoán Mỹ hồi phục nhờ kỳ vọng đàm phán Mỹ–Trung, Fed giữ lập trường thận trọng
Huyền Trần

Huyền Trần

Junior Analyst

Chứng khoán Mỹ hồi phục nhờ kỳ vọng đàm phán Mỹ–Trung, Fed giữ lập trường thận trọng

HĐTL chứng khoán Mỹ và USD tăng nhẹ sau thông tin về cuộc gặp giữa các quan chức thương mại hàng đầu Mỹ–Trung, dù thị trường vẫn thận trọng về triển vọng giảm thuế. Trung Quốc tiếp tục nới lỏng chính sách tiền tệ để hỗ trợ tăng trưởng, trong khi Fed được dự đoán sẽ giữ nguyên lãi suất và theo dõi tình hình. Nhà đầu tư vẫn tập trung vào rủi ro thương mại toàn cầu và tín hiệu chính sách từ các nền kinh tế lớn.
Trung Quốc công bố một loạt các biện pháp kích thích kinh tế trước thềm đàm phán thương mại với Mỹ
Ngọc Lan

Ngọc Lan

Junior Editor

Trung Quốc công bố một loạt các biện pháp kích thích kinh tế trước thềm đàm phán thương mại với Mỹ

Chính quyền Trung Quốc vừa công bố một loạt biện pháp kích thích kinh tế quan trọng vào ngày hôm nay, bao gồm việc cắt giảm lãi suất và bơm một lượng thanh khoản đáng kể vào thị trường. Động thái này nhằm giảm thiểu tác động tiêu cực đến nền kinh tế do cuộc chiến thương mại với Hoa Kỳ gây ra.
Forex Forecast - Diễn đàn dự báo tiền tệ