Mỹ tuyên bố ‘tiến bộ đáng kể’ sau đàm phán thương mại với Trung Quốc

Mỹ tuyên bố ‘tiến bộ đáng kể’ sau đàm phán thương mại với Trung Quốc

Huyền Trần

Huyền Trần

Junior Analyst

09:47 12/05/2025

Sau hai ngày đàm phán tại Geneva, Mỹ và Trung Quốc cho biết đã đạt được tiến triển ban đầu và một số đồng thuận quan trọng. Dù chưa có thỏa thuận cụ thể, cả hai bên nhất trí tiếp tục đối thoại nhằm hạ nhiệt căng thẳng thương mại. Thị trường tài chính phản ứng tích cực trước khả năng đối đầu kinh tế được xoa dịu.

Bộ trưởng Tài chính Scott Bessent cho biết Mỹ đã đạt được “tiến bộ đáng kể” sau hai ngày đàm phán thương mại với các quan chức Trung Quốc tại Geneva, dấu hiệu đầu tiên cho thấy Washington và Bắc Kinh có thể bắt đầu hạ nhiệt căng thẳng kinh tế.

“Chúng tôi sẽ cung cấp thông tin chi tiết vào ngày mai, nhưng tôi có thể nói với các bạn rằng các cuộc đàm phán rất hiệu quả,” Bessent nói với các phóng viên vào Chủ nhật sau khi ông và Đại diện Thương mại Mỹ Jamieson Greer kết thúc cuộc gặp với Phó Thủ tướng Trung Quốc He Lifeng.

Greer cho biết: “Điều quan trọng là chúng tôi đạt được thỏa thuận rất nhanh, cho thấy sự khác biệt giữa hai bên có lẽ không sâu sắc như nhiều người nghĩ.” Ông cũng khẳng định hai bên đã có “rất nhiều điểm chung”.

Những phát biểu đầy lạc quan từ phía Mỹ đánh dấu tín hiệu đầu tiên cho thấy hai nước có thể đang tìm cách giảm nhiệt căng thẳng thương mại – cuộc chiến đã khiến thị trường tài chính chao đảo và làm dấy lên lo ngại về sự đứt gãy chuỗi cung ứng toàn cầu.

Thị trường phản ứng tích cực: hợp đồng tương lai S&P 500 và Nasdaq tăng lần lượt 1.3% và 1.7%. Các tài sản trú ẩn an toàn bị bán tháo, khi vàng giảm 1.2% và lợi suất trái phiếu chính phủ Mỹ kỳ hạn 10 năm tăng 0.03 điểm phần trăm lên 4.41% – lợi suất tăng đồng nghĩa với giá giảm.

Tại Nhật, thị trường vẫn khá trầm lắng: Chỉ số Topix tăng nhẹ 0.3%, đồng yên mất giá 0.4% xuống còn ¥145.94, trong khi USD tăng 0.2% so với rổ tiền tệ.

Hiện Mỹ đang áp thuế lên tới 145% đối với hàng hóa từ Trung Quốc, còn Bắc Kinh đáp trả bằng mức thuế 125%.

Sau vòng đàm phán đầu tiên hôm thứ Bảy, Trump viết trên nền tảng Truth Social rằng hai nước đã đạt được “tiến bộ lớn”. Ông nhấn mạnh: “Một khởi đầu hoàn toàn mới được hình thành theo cách thân thiện nhưng cũng rất xây dựng.”

Phát biểu tại Geneva, Greer khẳng định thỏa thuận với Trung Quốc sẽ góp phần làm dịu căng thẳng: “Mỹ đang phải đối mặt với thâm hụt thương mại khổng lồ – 1.2 nghìn tỷ USD – và tổng thống đã tuyên bố tình trạng khẩn cấp quốc gia để có cơ sở áp thuế. Chúng tôi tin rằng thỏa thuận đạt được với Trung Quốc sẽ là bước tiến giúp giải quyết tình trạng đó.”

He, Phó Thủ tướng Trung Quốc, cho biết đã có các cuộc đàm phán “thẳng thắn, sâu sắc và mang tính xây dựng” với phái đoàn Mỹ, đồng thời nhấn mạnh hai bên đã đạt được “một số đồng thuận quan trọng”, theo Tân Hoa Xã. Cũng theo hãng tin nhà nước này, hai nước đồng ý thiết lập cơ chế tổ chức các vòng đàm phán tiếp theo liên quan đến thương mại và kinh tế.

Cuộc gặp diễn ra tại dinh thự đại sứ Thụy Sĩ tại Liên Hợp Quốc ở Geneva – một bước ngoặt đáng chú ý, bởi trước đó gần như không có dấu hiệu cho thấy Mỹ hay Trung Quốc sẵn sàng trở lại bàn đàm phán. Trung Quốc từng cáo buộc các biện pháp thuế quan của Trump là hành vi “bắt nạt kinh tế” và tuyên bố sẽ không nhượng bộ như những nước khác đã nhanh chóng thương lượng với Washington.

Tuy nhiên, khi thị trường trái phiếu toàn cầu lao dốc và khối lượng thương mại với Trung Quốc sụt giảm mạnh, cố vấn kinh tế Bessent đã cảnh báo công khai rằng tình hình hiện tại là không thể kéo dài. Ông nhấn mạnh cả hai bên đều có lợi ích chung trong việc hạ nhiệt căng thẳng, bởi các mức thuế hiện tại “không bền vững”. Trước đó, ông từng gọi mức thuế cao mà Mỹ áp lên Trung Quốc chẳng khác nào một lệnh cấm vận.

Trong khi đó, truyền thông nhà nước Trung Quốc liên tục chỉ trích Mỹ vì sự “lật lọng” trong đàm phán, cho rằng Washington quá sốt sắng nối lại đối thoại. Một tài khoản mạng xã hội liên kết với đài truyền hình trung ương CCTV cho biết Mỹ đã “nhảy qua nhảy lại” và đang tìm cách tiếp cận Trung Quốc qua “nhiều kênh khác nhau”.

Kể từ khi cuộc chiến thương mại nổ ra, cả hai phía đều cho rằng đối phương sẽ tổn thương nhiều hơn. Bessent lập luận rằng Trung Quốc đang gặp khó khăn kinh tế, do đó có nhiều lý do để quay lại bàn đàm phán. Tuy nhiên, phía Mỹ cũng bắt đầu lo lắng sau những cảnh báo từ Phố Wall và sau khi các tập đoàn lớn như Walmart hay Target cảnh báo Trump rằng chuỗi cung ứng bị gián đoạn sẽ khiến kệ hàng trống trơn.

Theo bà Yang Panpan từ Viện Khoa học Xã hội Trung Quốc, vị thế của Mỹ trong các cuộc đàm phán lần này yếu hơn do đồng USD suy yếu và niềm tin của nhà đầu tư quốc tế vào Mỹ sụt giảm. Bà cho rằng: “Lạm phát là một thách thức lớn đối với Mỹ và bất ổn tài chính là một yếu tố khác. So với trước đây, những rủi ro này đang gia tăng rõ rệt.”

Financial Times

Broker listing

Cùng chuyên mục

Thị trường tiền tệ thận trọng trước báo cáo việc làm Mỹ và thỏa thuận thương mại mới với Việt Nam

Thị trường tiền tệ thận trọng trước báo cáo việc làm Mỹ và thỏa thuận thương mại mới với Việt Nam

Đồng USD dao động trong bối cảnh giới đầu tư chờ báo cáo việc làm Mỹ tháng 6 và đánh giá tác động từ thỏa thuận thương mại với Việt Nam, diễn ra trước hạn chót thuế quan ngày 9/7. Đồng bảng Anh và euro biến động nhẹ, trong khi kỳ vọng về chính sách lãi suất của Fed tiếp tục điều chỉnh theo dữ liệu kinh tế mới nhất.
Quỹ phòng hộ khởi sắc trong tháng 6 giữa làn sóng tăng giá cổ phiếu và sự phân hóa chiến lược

Quỹ phòng hộ khởi sắc trong tháng 6 giữa làn sóng tăng giá cổ phiếu và sự phân hóa chiến lược

Lợi nhuận các quỹ phòng hộ tăng mạnh trong tháng 6 khi thị trường chứng khoán Mỹ lập đỉnh mới, giúp nhiều chiến lược đầu tư truyền thống và đa dạng hóa ghi nhận kết quả tích cực. Tuy nhiên, các quỹ giao dịch theo hệ thống lần đầu sụt giảm sau 8 tháng, do thua lỗ từ cổ phiếu tiêu dùng không thiết yếu và áp lực từ các vị thế bán khống chật chội.
Đóng cửa phiên Mỹ: Thị trường “mừng rỡ” trước dữ liệu lao động yếu - Cắt giảm lãi suất đang đến gần?

Đóng cửa phiên Mỹ: Thị trường “mừng rỡ” trước dữ liệu lao động yếu - Cắt giảm lãi suất đang đến gần?

Tất cả sự chú ý giờ đây đổ dồn vào báo cáo việc làm phi nông nghiệp (NFP). Chỉ số S&P hôm nay lập đỉnh mới, phản ứng đúng với mô-típ quen thuộc: "tin xấu là tin tốt". Báo cáo việc làm tư nhân từ ADP yếu kém đến mức không thể chối cãi, kéo Chỉ số Bất ngờ Kinh tế Mỹ xuống mức thấp nhất kể từ tháng 9 năm ngoái. Nhưng thị trường dường như không hề nao núng—ngược lại, tâm lý kỳ vọng Fed sẽ sớm nới lỏng chính sách đã thúc đẩy đà tăng.
Phố Wall biến động: Cổ phiếu công nghệ suy yếu, nhà đầu tư thận trọng trước chính sách và dữ liệu kinh tế

Phố Wall biến động: Cổ phiếu công nghệ suy yếu, nhà đầu tư thận trọng trước chính sách và dữ liệu kinh tế

Nasdaq và S&P 500 giảm nhẹ do áp lực chốt lời ở nhóm cổ phiếu công nghệ vốn hóa lớn sau giai đoạn tăng mạnh, trong khi Dow Jones được hỗ trợ nhờ dòng tiền vào các lĩnh vực nhạy cảm với chu kỳ kinh tế. Tâm lý thị trường bị chi phối bởi những đánh giá trái chiều về hiệu ứng của gói thuế chi tiêu mới, căng thẳng chính trị và kỳ vọng chính sách lãi suất từ Fed. Giới đầu tư đang theo dõi sát báo cáo việc làm sắp tới để định hình triển vọng chính sách tiền tệ.
Dự luật gây tranh cãi của Trump: Gánh nặng mới cho nền kinh tế Mỹ

Dự luật gây tranh cãi của Trump: Gánh nặng mới cho nền kinh tế Mỹ

Các thị trường ở châu Á mở cửa với một mắt hướng về Tokyo và mắt còn lại nhìn về Washington, nơi dự luật được gọi là 'Dự luật Lớn, Đẹp' của Trump đã vượt qua Thượng viện—nhưng không tránh khỏi việc để lại một loạt vết thương và phản ứng trái chiều.
Lo ngại USD suy yếu, giới đầu tư nước ngoài tăng tỷ lệ phòng ngừa rủi ro với chứng khoán Mỹ

Lo ngại USD suy yếu, giới đầu tư nước ngoài tăng tỷ lệ phòng ngừa rủi ro với chứng khoán Mỹ

Trước nguy cơ đồng đô la tiếp tục suy yếu và mất dần vai trò cân bằng trong danh mục đầu tư, các nhà quản lý tài sản quốc tế đang chủ động gia tăng tỷ lệ phòng ngừa rủi ro ngoại hối đối với cổ phiếu Mỹ. Sự thay đổi này phản ánh mối lo ngại ngày càng tăng về bất ổn chính sách tại Mỹ và tác động lan tỏa của biến động tiền tệ lên hiệu suất đầu tư toàn cầu.
Forex Forecast - Diễn đàn dự báo tiền tệ