Đồng USD suy yếu gây xáo trộn trên thị trường tiền tệ châu Á

Mai Khánh Linh
Junior Editor
Đồng USD sụt giảm đang tạo ra những biến động lớn trên thị trường tài chính châu Á, khiến nhiều đồng nội tệ tăng giá quá mạnh và buộc các ngân hàng trung ương phải vào cuộc bình ổn.

Tại Hồng Kông, cơ quan quản lý tiền tệ đã chi tới 6 tỷ USD để mua vào ngoại tệ – mức can thiệp lớn nhất lịch sử – nhằm bảo vệ cơ chế neo tỷ giá 42 năm giữa đồng đôla Hồng Kông và USD. Tại Đài Loan, đồng Tân Đài tệ tăng tới 3% trong một phiên – mức tăng chưa từng có từ năm 1988 – khiến ngân hàng trung ương nước này cũng phải ra tay “ghìm cương” đà tăng.
Trong khi đó, đồng Nhân dân tệ giao dịch ở nước ngoài cũng vọt lên mức cao nhất kể từ tháng 11, còn won Hàn, ringgit Malaysia và baht Thái đều tăng hơn 1%.
Vì sao tiền tệ châu Á tăng mạnh?
Nguyên nhân chủ yếu đến từ việc nhà đầu tư toàn cầu đang rút khỏi đồng USD – vốn là đồng tiền dự trữ lớn nhất thế giới – vì lo ngại kinh tế Mỹ sẽ suy thoái do chính sách thuế của ông Trump. USD giảm, các đồng tiền châu Á nghiễm nhiên hưởng lợi khi trở thành kênh trú ẩn thay thế.
Tiền tệ châu Á tăng vọt nhờ đồng USD suy yếu và căng thẳng thương mại hạ nhiệt
Nhiều nhà xuất khẩu tại châu Á cũng thay đổi chiến lược. Thay vì nắm giữ USD, họ chuyển sang tích trữ nội tệ như đồng Nhân dân tệ hay Tân Đài tệ. Một số doanh nghiệp thậm chí còn đẩy mạnh bán ra USD vì tin rằng đồng bạc xanh sẽ còn yếu hơn nữa trong thời gian tới.
“Nếu căng thẳng thương mại Mỹ - Trung chưa hạ nhiệt, đồng USD có thể tiếp tục giảm. Khi đó, đầu tư vào tiền tệ châu Á sẽ là chiến lược hợp lý”, ông Brad Bechtel – Giám đốc giao dịch ngoại hối toàn cầu tại Jefferies nhận định.
Cơ hội và rủi ro
Việc đồng nội tệ tăng giá có thể giúp châu Á giảm chi phí nhập khẩu và thu hút vốn đầu tư nước ngoài. Tuy nhiên, nó lại gây bất lợi cho các doanh nghiệp xuất khẩu khi hàng hóa của họ trở nên đắt đỏ hơn trên thị trường quốc tế.
Tại Đài Loan, đồng tiền tăng mạnh do nhà đầu tư nước ngoài đổ xô vào thị trường chứng khoán vì kỳ vọng các hãng chip ở đây sẽ tiếp tục “hái ra tiền” nhờ nhu cầu ổn định từ Mỹ. Điều này khiến các doanh nghiệp xuất khẩu đua nhau bán USD, càng khiến đồng Tân Đài tệ tăng thêm. Ngân hàng trung ương Đài Loan sau đó đã buộc phải can thiệp để giảm bớt biến động.
Một khảo sát của Bloomberg cũng cho thấy các nhà xuất khẩu Trung Quốc đang giảm dần việc nắm giữ USD và trái phiếu chính phủ Mỹ, thay vào đó ưu tiên giữ đồng Nhân dân tệ – dấu hiệu cho thấy niềm tin vào USD đang suy giảm.“Giữ USD giờ đây không còn hấp dẫn với doanh nghiệp châu Á. Rủi ro suy thoái kinh tế Mỹ quá lớn, lãi suất có thể bị cắt giảm. Các đồng tiền như Nhân dân tệ, Tân Đài tệ hay ringgit sẽ còn tiếp tục tăng”, nhóm phân tích của Goldman Sachs nhận định.
USD có tiếp tục yếu đi?
Dù dữ liệu việc làm Mỹ mới công bố khá tích cực, nhưng các chuyên gia Phố Wall cho rằng đó chỉ là “bức tranh quá khứ”, chưa đủ để xoay chuyển xu thế đồng USD yếu hiện tại.
“Chúng tôi vẫn bi quan với USD. Nhà đầu tư đang dần chuyển tiền khỏi Mỹ và tăng cường phòng vệ trước rủi ro”, các chiến lược gia tại Morgan Stanley cho biết, đồng thời thể hiện cái nhìn tích cực với euro và yen Nhật.
Bloomberg