Chứng khoán toàn cầu duy trì biên độ hẹp, đồng USD phục hồi

Huyền Trần
Junior Analyst
Đồng tiền châu Á tăng mạnh gây lo ngại về một cuộc khủng hoảng tiền tệ đảo chiều, kéo theo áp lực lên thị trường trái phiếu và Fed. Thị trường toàn cầu biến động giữa kỳ vọng thương mại Mỹ-Trung và khả năng Fed cắt giảm lãi suất.

Chứng khoán toàn cầu giữ trong biên độ hẹp vào thứ Ba và đồng USD đã lấy lại một phần đà giảm gần đây so với các đồng tiền châu Á khi nhà đầu tư lại lo ngại về thuế quan của Mỹ và tác động của chúng đến tăng trưởng kinh tế.
Những lo ngại đó cùng với cam kết từ các nhà sản xuất dầu lớn về việc tăng nguồn cung cũng khiến giá dầu thô quanh mức thấp nhất trong 4 năm.
Trọng tâm ở châu Á đã chuyển sang các đồng tiền sau đà tăng mạnh trong các phiên gần đây, làm dấy lên đồn đoán rằng việc định giá lại các đồng tiền khu vực đang được cân nhắc để đổi lấy nhượng bộ thương mại từ Mỹ.
Đà tăng mạnh của các đồng tiền châu Á gần đây cho thấy đang diễn ra một làn sóng thanh lý quy mô lớn. Điều này phản ánh rõ áp lực tại các nền kinh tế từng có thặng dư thương mại lớn trong nhiều năm, nơi các nhà xuất khẩu và công ty bảo hiểm đã tích lũy khối lượng lớn vị thế mua vào đồng USD. Giờ đây, những vị thế đó đang bị nghi ngờ và đối mặt với rủi ro thua lỗ.
Áp lực cũng lan sang Hồng Kông vào thứ Ba, khi ngân hàng trung ương phải can thiệp 7.8 tỷ USD để ngăn đồng đô la Hồng Kông tăng giá quá mạnh và vượt ra khỏi biên độ neo cố định với USD.
“Thị trường ngoại hối châu Á mới là tâm điểm thực sự hôm nay,” Charu Chanana, chiến lược gia đầu tư tại Saxo ở Singapore nhận định.
“Nếu các đồng tiền châu Á tiếp tục tăng giá quá nhanh, điều này có thể làm dấy lên lo ngại về một ‘cuộc khủng hoảng tiền tệ châu Á ngược’,” Chanana cảnh báo. “Tác động lan tỏa có thể ảnh hưởng đến thị trường trái phiếu, đặc biệt khi các tổ chức trong khu vực bắt đầu đánh giá lại rủi ro do nắm giữ trái phiếu Kho bạc Mỹ mà không có biện pháp phòng vệ tỷ giá.”
Tại Trung Quốc đại lục, đồng Nhân dân tệ đã tăng lên mức cao nhất kể từ ngày 20 tháng 3, tỷ giá USD/CNYgiao dịch ở mức 7.23.
Tại Đài Loan, tỷ giá USD/TWD được giao dịch quanh mức 30, chỉ thấp hơn một chút so với mức đỉnh gần ba năm là 29.59 đạt được hôm thứ Hai, khi đồng tiền này tăng tới 8% chỉ trong hai ngày.
Trên thị trường chứng khoán, chỉ số MSCI khu vực châu Á - Thái Bình Dương (ngoài Nhật Bản) giảm 0.2%, do thị trường Nhật Bản đóng cửa nghỉ lễ. Chứng khoán Đài Loan cũng giảm 0.3%.
Tại Trung Quốc, sau kỳ nghỉ lễ, các sàn giao dịch mở cửa trở lại với chỉ số blue-chip tăng nhẹ, trong khi chỉ số Hang Seng của Hồng Kông giảm 0.2%.
Sự chú ý của nhà đầu tư tập trung vào khả năng giảm căng thẳng thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc sau khi Bắc Kinh tuần trước cho biết họ đang đánh giá đề nghị từ Washington về việc tổ chức đàm phán về thuế quan.
Nhưng với ít chi tiết, sự bất ổn đã chiếm lĩnh thị trường khi nhà đầu tư cố gắng phân tích các tin tức từ Nhà Trắng.
Tổng thống Mỹ Donald Trump cho biết hôm Chủ nhật rằng Washington đang gặp gỡ nhiều quốc gia, bao gồm Trung Quốc, và ưu tiên chính của ông với Trung Quốc là đảm bảo một thỏa thuận công bằng.
Hôm thứ Hai, ông Trump cũng áp thuế 100% đối với phim sản xuất bên ngoài Hoa Kỳ nhưng lại đưa ra ít thông tin rõ ràng về cách thức áp dụng các loại thuế này.
Chanana của Saxo cho biết các tin tức về thuế quan đang có tác động lớn hơn đến hướng đi của thị trường. “Và điều đó có nghĩa là tỷ lệ rủi ro-lợi nhuận chiến thuật vẫn có thể nghiêng về phía trên với dữ liệu thực tế vẫn khả quan và tâm lý được thúc đẩy bởi hy vọng về các thỏa thuận thương mại.”
Dữ liệu công bố hôm thứ Hai cho thấy tăng trưởng của ngành dịch vụ tại Mỹ đã tăng tốc trong tháng 4, trong khi thước đo giá mà các doanh nghiệp trả cho nguyên liệu và dịch vụ đã tăng lên mức cao nhất trong hơn hai năm, báo hiệu áp lực lạm phát đang gia tăng do thuế quan.
Sự chú ý chuyển sang quyết định chính sách của Cục Dự trữ Liên bang (Fed) vào thứ Tư, nơi được dự đoán rộng rãi sẽ giữ lãi suất ổn định, nhưng tâm điểm sẽ là cách các nhà hoạch định chính sách có khả năng điều hướng trên con đường đầy rẫy thuế quan.
“Các thị trường muốn xác nhận rằng Fed có ý định cắt giảm lãi suất trước bất kỳ cú sốc giá nào do thuế quan gây ra, đúng như kỳ vọng hiện tại,” Kyle Rodda, nhà phân tích thị trường tài chính cấp cao tại Capital.com, cho biết.
Dữ liệu của LSEG cho thấy các nhà giao dịch đang định giá khả năng Fed nới lỏng chính sách 75 bps trong năm nay, với đợt cắt giảm đầu tiên có thể diễn ra vào tháng 7.
Trên thị trường hàng hóa, giá dầu ổn định vào thứ Ba sau khi chạm mức thấp nhất trong 4 năm ở phiên trước đó, do quyết định của OPEC+ về việc đẩy nhanh việc tăng sản lượng.
Giá vàng chạm mức cao nhất trong một tuần nhờ nhu cầu trú ẩn an toàn.
Reuters