Chiến lược "Taco" của Trump: Một bước lùi chiến thuật hay canh bạc nguy hiểm với kinh tế toàn cầu?

Trà Giang
Junior Editor
Bức tranh thương mại toàn cầu vừa đón nhận một tín hiệu tích cực khi Tổng thống Donald Trump bất ngờ thông báo tạm thời hạ mức thuế nhập khẩu đối với hàng hóa Trung Quốc từ 145% xuống còn 30% trong vòng 90 ngày.

Động thái này, theo nhiều chuyên gia, là tín hiệu rõ ràng nhất cho thấy một mô hình hành xử đã trở nên quen thuộc dưới thời Trump: cứ mỗi khi đối mặt với phản ứng tiêu cực từ thị trường tài chính, doanh nghiệp và chính trường, ông lại "xuống thang". Trên Phố Wall, chiến lược này được đặt biệt danh là "Taco trade" – viết tắt của "Trump Always Chickens Out", tức Trump luôn nhượng bộ vào phút chót. Và đúng như kỳ vọng, thị trường tài chính đã ăn mừng quyết định này bằng những phiên tăng điểm mạnh.
Tuy nhiên, câu chuyện không chỉ dừng lại ở niềm vui ngắn hạn của phố Wall. Mức thuế 30% vẫn là con số rất cao, và thời hạn 90 ngày rõ ràng không thể gọi là ổn định. Trong khi Trung Quốc cũng phản ứng tích cực khi giảm thuế từ 125% xuống 10%, giới phân tích vẫn cảnh báo rằng đây chỉ là một "khoảng nghỉ" ngắn ngủi trong một cuộc đối đầu thương mại vẫn chưa có hồi kết. Bởi lẽ, lịch sử đã cho thấy: Trump có thể nhượng bộ, nhưng cũng thường xuyên đảo ngược lập trường một cách khó đoán.
Giới phân tích chính sách như Andrew Bishop của Signum Global Advisors cho rằng hành vi của Trump mang màu sắc leo thang tiệm tiến: hai bước tiến, một bước lùi. Kể từ đầu năm, ông đã nhiều lần đe dọa áp thuế với các đối tác như Canada, Mexico và Trung Quốc – ban đầu chỉ là lời nói, sau đó là sắc lệnh không thực thi, rồi đến các mức thuế được ký và triển khai nhưng nhanh chóng bị rút lại. Chuỗi hành động này cho thấy dù Trump thường xuyên "bẻ lái", nhưng mục tiêu dài hạn vẫn là tạo ra một hệ thống thuế quan đủ sức ép để buộc các quốc gia khác phải thay đổi hành vi – mà không làm tổn hại nghiêm trọng đến cử tri và thị trường trong nước.
Mức thuế cao sẽ gây tổn thất cho người tiêu dùng Mỹ và chuỗi cung ứng toàn cầu, còn mức thuế thấp lại không đủ sức răn đe các đối tác thương mại. Kết quả là, như nhiều chuyên gia nhận định, chính sách thuế quan của Trump rơi vào trạng thái "bập bênh" liên tục – và đó mới là nguồn rủi ro lớn nhất với giới đầu tư và doanh nghiệp.
Câu hỏi quan trọng đặt ra là: liệu thị trường đã định giá đúng tác động của chính sách này chưa? Theo nhà phân tích độc lập Joseph Wang, tác động tiềm ẩn từ việc duy trì mức thuế 30% là rất đáng kể. Với tổng kim ngạch hàng hóa nhập khẩu gần đây lên tới 3.000 tỷ USD, chỉ riêng phần thuế tăng thêm có thể tạo ra khoản thu ngân sách hơn 200 tỷ USD – tương đương mức tăng thuế quy mô lớn áp đặt lên khu vực doanh nghiệp. "Nếu nhìn từ góc độ lợi nhuận, cú tăng thuế này có thể làm bốc hơi 4% đến 5% lợi nhuận toàn thị trường – trong khi kỳ vọng thu nhập và định giá cổ phiếu hiện vẫn ở mức cao," Wang cảnh báo.
Tác động không chỉ dừng lại ở lợi nhuận doanh nghiệp. Tình trạng chính sách thuế biến động thất thường còn khiến nhiều nhà đầu tư toàn cầu – đặc biệt là các quỹ hưu trí và công ty bảo hiểm – buộc phải điều chỉnh lại danh mục đầu tư theo hướng giảm tỷ trọng USD. Các quy tắc quản trị rủi ro thường dựa trên dữ liệu biến động trong quá khứ, và khi biến động chính sách tăng lên, các mô hình này sẽ yêu cầu giảm rủi ro tiếp xúc với Mỹ. Điều này phần nào lý giải cho việc chỉ số USD tiếp tục suy yếu bất chấp dòng tiền vẫn đổ vào trái phiếu chính phủ Mỹ.
Không chỉ nhà đầu tư cá nhân mới lo ngại. Các nhà quản lý tài sản lớn cũng đang chuyển hướng. Ông Jim Caron, Giám đốc đầu tư của bộ phận Giải pháp Danh mục tại Morgan Stanley Investment Management, cho biết nhóm của ông đang đặt cược lớn nhất vào cổ phiếu châu Âu – nơi mà rủi ro chính sách ít bất định hơn, và mức định giá hấp dẫn hơn so với thị trường Mỹ. Bên cạnh đó, ông cũng chỉ ra rằng, trong môi trường lạm phát hiện tại, các loại trái phiếu dài hạn – vốn thường được sử dụng để phòng hộ cho cổ phiếu – không còn giữ được vai trò như trước. “Nếu rủi ro xảy ra, Fed sẽ phản ứng bằng cách cắt giảm lãi suất, hỗ trợ trái phiếu ngắn hạn. Nhưng nếu tin tức tốt xuất hiện, đó cũng là tín hiệu lạm phát – khiến trái phiếu dài hạn chịu áp lực. Vậy nên, trái phiếu dài hạn không còn là ‘lá chắn’ như chúng ta từng biết,” ông nhận định.
Hệ quả gián tiếp nhưng sâu sắc hơn là sự xói mòn niềm tin vào môi trường đầu tư tại Mỹ. Bishop của Signum cảnh báo rằng, cho dù Trump thường nhượng bộ, nhưng chính tính bất định đó lại buộc các doanh nghiệp và chính phủ nước ngoài phải luôn trong trạng thái phòng thủ. “Bạn như đang chơi roulette Nga,” ông nói. “Đúng là Trump lùi bước 9 trên 10 lần, nhưng nếu trúng viên đạn duy nhất còn lại, bạn có thể đánh sập cả nền kinh tế hoặc doanh nghiệp của mình.” Những biện pháp phòng vệ ấy – như di dời chuỗi cung ứng, tìm nguồn thay thế, tích trữ hàng hóa – đều tạo ra ma sát chi phí và làm giảm hiệu quả kinh tế chung.
Ví dụ, theo nhà kinh tế Grace Zwemmer của Oxford Economics, giai đoạn 90 ngày "giảm nhiệt" này nhiều khả năng sẽ dẫn đến làn sóng nhập hàng trước hạn từ Trung Quốc để tránh rủi ro thuế cao sau này. Điều đó có thể giúp tránh được gián đoạn chuỗi cung ứng trong ngắn hạn, nhưng lại duy trì mức độ bất ổn cao trong kỳ vọng của doanh nghiệp. “Nếu chính quyền tiếp tục đưa ra các đợt công bố thuế bất ngờ, doanh nghiệp sẽ càng thận trọng, nhập hàng theo kiểu thời vụ và làm tăng nguy cơ đứt gãy chuỗi cung ứng nghiêm trọng hơn trong tương lai,” Zwemmer cảnh báo.
Ngay cả Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) cũng không thể xem nhẹ rủi ro này. Dù Trump đã “gỡ bỏ” kịch bản tồi tệ nhất trong ba tháng tới, nhưng với Fed, đó chưa đủ để hành động. Dữ liệu việc làm vẫn mạnh, lạm phát vẫn vượt mục tiêu, và chính sách thương mại thì đầy bất định. Nhiều nhà kinh tế tại các ngân hàng lớn Phố Wall hôm qua vẫn khẳng định quan điểm rằng Fed sẽ không cắt giảm lãi suất trong năm 2025 – và nhóm phân tích Unhedged cũng đồng tình.
Trong khi thị trường tạm thời thở phào với quyết định nhượng bộ mới nhất của Trump, bức tranh dài hạn vẫn phủ bóng bởi rủi ro chính sách và hệ quả kinh tế không thể đảo ngược. Chiến lược "Taco" – dù giúp tránh được những cú sốc ngay trước mắt – nhưng có thể đang tích tụ một cái giá lớn hơn cho nền kinh tế Mỹ trong tương lai. Và như Bishop đã nói, trong trò chơi chính sách của Trump, không ai biết viên đạn tiếp theo sẽ đến lúc nào.
Financial Times